06 trường hợp cán bộ công chức được miễn kỷ luật từ 01/7/2025 theo Nghị định 172
Từ ngày 01/7/2025, sẽ có 06 trường hợp cán bộ công chức được miễn kỷ luật theo quy định mới tại Nghị định 172/2025/NĐ-CP do Chính phủ ban hành.
06 trường hợp cán bộ công chức được miễn kỷ luật từ 01/7/2025 theo Nghị định 172 (Hình từ Internet)
Trường hợp nào cán bộ công chức được miễn kỷ luật từ 01/7/2025?
Theo Nghị định 172/2025/NĐ-CP, cán bộ công chức được miễn kỷ luật từ ngày 01/7/2025 nếu hành vi vi phạm có một hoặc một số tình tiết sau đây:
[1] Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi có hành vi vi phạm;
[2] Phải chấp hành quyết định của cấp trên theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức năm 2025;
Điều 7. Nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ
…
5. Chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải chấp hành, đồng thời báo cáo bằng văn bản với cấp trên trực tiếp của người ra quyết định và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
[3] Được cấp có thẩm quyền xác nhận vi phạm trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật về tình trạng khẩn cấp khi thi hành công vụ;
[4] Đã thực hiện theo đúng quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, không vụ lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhưng có gây ra thiệt hại vì lý do khách quan;
[5] Thực hiện đề xuất về đổi mới, sáng tạo được cơ quan có thẩm quyền cho phép và được cấp có thẩm quyền xác định đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung nhưng có thiệt hại xảy ra.
[6] Có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời.
Cơ sở pháp lý: Khoản 2 Điều 4 Nghị định 172/2025/NĐ-CP.
Thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ công chức từ ngày 01/7/2025 ra sao?
Theo hướng dẫn tại Nghị định 172/2025/NĐ-CP, thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức, người đã thôi việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật.
Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm cho đến thời điểm cấp có thẩm quyền ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật.
Trường hợp có hành vi vi phạm mới trong thời hạn để tính thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm mới.
Chi tiết thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ công chức được quy định như sau:
(i) 05 năm (60 tháng) đối với hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách;
(ii) 10 năm (120 tháng) đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định tại (i).
Tuy nhiên, thời hiệu xử lý kỷ luật nêu trên không áp dụng đối với các hành vi vi phạm sau đây:
- Cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ;
- Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;
- Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;
- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.
Lưu ý rằng, thời gian trong các trường hợp này sẽ không tính vào thời hạn xử lý kỷ luật:
- Thời gian chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với các trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định 172/2025/NĐ-CP;
- Thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự (nếu có);
- Thời gian thực hiện khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án về quyết định xử lý kỷ luật cho đến khi ra quyết định xử lý kỷ luật thay thế.
Cơ sở pháp lý: Điều 5 Nghị định 172/2025/NĐ-CP.
06 việc cán bộ công chức không được làm từ ngày 01/7/2025
Theo Điều 14 Luật Cán bộ công chức 2025, cán bộ công chức không được làm những việc như sau:
- Trốn tránh, thoái thác, né tránh, đùn đẩy trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý nghỉ việc, bỏ việc; tham gia đình công; đăng tải, phát tán, phát ngôn thông tin sai lệch làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của đất nước, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác.
- Có hành vi tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, trục lợi, nhũng nhiễu và các hành vi khác vi phạm pháp luật đối với người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
- Sử dụng tài sản công của Nhà nước và tài sản của Nhân dân trái pháp luật.
- Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn, sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để trục lợi.
- Có hành vi phân biệt đối xử dân tộc, giới tính, độ tuổi, khuyết tật, tôn giáo, tín ngưỡng, thành phần xã hội dưới mọi hình thức trong thi hành công vụ.
- Những việc không được làm liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ bí mật nhà nước và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cấp có thẩm quyền trong thời gian công tác và sau khi thôi việc, nghỉ hưu.
Từ khóa: Cán bộ công chức Trường hợp cán bộ công chức được miễn kỷ luật Thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ công chức Xử lý kỷ luật Hành vi vi phạm
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;