Công hàm là gì? Quản lý công hàm được quy định như thế nào trong hoạt động đối ngoại của Bộ Tư Pháp?
Thế nào là công hàm? Công hàm được phân thành mấy loại? Quản lý công hàm được quy định như thế nào trong hoạt động đối ngoại của Bộ Tư Pháp?
Công hàm là gì? Phân loại công hàm như thế nào?
Công hàm là Văn kiện ngoại giao chính thức của Chính Phủ hoặc Bộ ngoại giao gửi cho Chính phủ hoặc Bộ ngoại giao của quốc gia khác với nội dung trao đổi, thông báo, yêu sách hay phản đối các hoạt động, sự kiện, một vấn đề nào đó có liên quan hoặc đang được hai bên quan tâm.
Phân loại công hàm như sau
(1) Công thư
Công thư được dùng trong các giao dịch quan trọng mang tính quốc tế giữa các quốc gia. Được sử dụng tại Bộ ngoại giao, cơ quan đại diện ngoại giao do Lãnh đạo Bộ, Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài ký.
(2) Công hàm thường (Note Verbale)
Là thư tín ngoại giao có mức độ nghi thức thấp hơn công thư. Thẩm quyền Công hàm thường do cấp vụ/phòng ký hoặc cấp cao hơn, người được trưởng cơ quan ủy quyền ký tắt ở góc dưới bên phải của trang cuối cùng. Trang đầu của công hàm được in trên giấy Offset màu vàng, các trang tiếp theo in trên giấy Offset màu trắng.
(3) Công hàm Pro Memoire
Là biên bản trao đổi chính thức về các vấn đề mà Chính phủ ủy quyền hoặc chỉ đạo. Tại Bộ ngoại giao, văn bản này được trao trực tiếp cho Đại sứ, Công sứ hoặc đại diện. Công hàm loại này do cấp vụ hoặc cấp cao ký tắt ở góc dưới bên phải của trang cuối. Tại cơ quan đại diện ngoại giao, công hàm này có thể trao đổi trực tiếp hoặc chuyển qua giao thông ngoại giao.
(4) Công hàm ngoại giao (Diplomatic note)
Là thư tín chính giữa các Chính phủ truyền đạt các vấn đề Chính phủ ủy quyền hoặc chỉ đạo. Công thức lịch thiệp không được sử dụng trong hình thức thư tín này. Công hàm ngoại giao có thể do Lãnh đạo Bộ, trưởng cơ quan đại diện ngoại giao hoặc người được ủy quyền ký tắt hoặc ký đầy đủ. Trang đầu của công hàm được in trên giấy Offset vàng, các trang tiếp theo được in trên giấy Offset trắng.
(5) Công hàm tập thể (Collective note)
Công hàm tập thể là hình thức thư tín do hai hay nhiều Chính phủ gửi một hoặc nhiều Chính phủ. Công hàm tập thể phải có chữ ký đầy đủ của đại diện Chính phủ.
Lưu ý: Loại công hàm này không in Quốc huy. Trong trường hợp không có thỏa thuận khác với những nước ký kết chung trên công hàm tập thể, thì công hàm tập thể được in trên giấy Offset trắng.
(6) Công hàm thông báo
Công hàm thông báo là công hàm gửi đến các cơ quan đại diện ngoại giao tại Hà Nội hoặc gửi đến cơ quan đại diện ngoại giao các nước tại nước nhận. Công hàm của Bộ ngoại giao do cấp vụ/phòng hoặc cấp cao hơn ký tắt; công hàm của cơ quan đại diện do người được trưởng cơ quan đại diện ủy quyền ký tắt. Thường được in trên giấy Offset trắng.
Trên đây là thông tin tham khảo về nội dung: "Công hàm là gì? Phân loại công hàm như thế nào?"
Công hàm là gì? (Hình từ internet)
Quản lý công hàm được quy định như thế nào trong hoạt động đối ngoại của Bộ Tư Pháp?
Căn cứ Điều 41 Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại của Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định 2638/QĐ-BTP năm 2020 quy định quản lý công hàm được thực hiện như sau:
[1] Các đơn vị cần trao đổi với đối tác nước ngoài bằng hình thức Công hàm có trách nhiệm chuẩn bị nội dung, lấy ý kiến Vụ Hợp tác quốc tế, trình lãnh đạo Bộ cho chủ trương; chuyển dự thảo đến Vụ Hợp tác quốc tế để hoàn thiện và ký Công hàm, trừ trường hợp quy định tại [3] và [4].
[2] Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế ký các Công hàm trao đổi với các đối tác nước ngoài về các công việc thường xuyên; trường hợp trao đổi về các vấn đề quan trọng, phải xin chủ trương của Thứ trưởng phụ trách hợp tác quốc tế và Bộ trưởng.
[3] Đối với Công hàm trao đổi về hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự và thực hiện quyền, nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế ký Công hàm. Công hàm phải được sao gửi Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách đơn vị để báo cáo và Vụ Hợp tác quốc tế để theo dõi chung.
[4] Trường hợp cần trả lời Công hàm của đối tác nước ngoài về những vấn đề chuyên môn thuộc thẩm quyền của đơn vị thuộc Bộ, đơn vị trả lời bằng hình thức Công văn hành chính.
[5] Công hàm phải được ghi đầy đủ ngày, tháng, năm, số Công hàm; có chữ ký tắt theo quy định tại [2] và [3] đóng dấu treo của Bộ Tư pháp theo quy định.
[6] Vụ Hợp tác quốc tế là đơn vị đầu mối giúp lãnh đạo Bộ quản lý, theo dõi tình hình Công hàm của Bộ Tư pháp, định kỳ hàng năm báo cáo lãnh đạo Bộ.
Quy định thế nào về ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế?
Căn cứ khoản 1 Điều 24 Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại của Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định 2638/QĐ-BTP năm 2020 quy định ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế được thực hiện như sau:
[1] Căn cứ kế hoạch hoạt động đối ngoại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phê duyệt, đơn vị chủ trì đề xuất đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ Tư pháp chuẩn bị hồ sơ, lấy ý kiến Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế và đơn vị có liên quan, báo cáo Thứ trưởng phụ trách hợp tác quốc tế phê duyệt kế hoạch đàm phán.
[2] Sau khi kết thúc đàm phán, đơn vị chủ trì đề xuất phối hợp Vụ Hợp tác quốc tế báo cáo Bộ trưởng cho phép ký kết.
Đối với điều ước quốc tế thuộc trường hợp phải báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi đàm phán, ký kết theo quy định của Quyết định 272-QĐ/TW năm 2015 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại, thì thực hiện theo quy trình của Quyết định 272-QĐ/TW.
[3] Nội dung, quy trình đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
Xem thêm
Từ khóa: Công hàm Quản lý công hàm Điều ước quốc tế Vụ Hợp tác quốc tế Thỏa thuận quốc tế
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;