Xác định công sức đóng góp khi chia tài sản trong ly hôn và thực tiễn xảy ra xoay quanh vấn đề này

(có 1 đánh giá)

Khi ly hôn, một trong những điều các cặp đôi quan tâm là việc chia tài sản chung của vợ chồng. Có những tranh chấp xảy ra xoay quanh câu chuyện xác định công sức đóng góp khi chia tài sản. Vậy pháp luật quy định như thế nào về việc xác định công sức đóng góp của vợ chồng khi tài sản? Thực tiễn áp dụng có những bất cập nhất định nào hay không?

Xác định công sức đóng góp khi chia tài sản theo quy định của pháp luật

Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về nguyên tắc giải quyết tài sản vợ chồng khi ly hôn tại Khoản 2, Điều 59: Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây: a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập…”.

“Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”. (Khoản 1 Điều 61).

Thực tiễn xảy ra

Mặc dù pháp luật Hôn gia đình đã quy định về việc nếu vợ chồng không thỏa thuận được trong việc phân chia tài sản thì yêu cầu Tòa án giải quyết xác định theo công sức đóng góp tài sản tuy nhiên những quy định về xác định công sức đóng góp hiện hành chưa cụ thể và còn mang nặng tính khái niệm.

Trong đó, theo điểm b khoản 4 Điều 7 Thông tư Liên tịch số 01/2016/TTLT- TANDTC- VKSNDTC-BTP quy định:“Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung” là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.

Nếu bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn, vậy nhiều hơn ở mức thế nào? Được xác định ra sao cũng là một vấn đề khó giải quyết. Thêm vào đó việc chứng minh công sức đóng góp cũng gặp không ít khó khăn khi nếu người chồng dễ dàng xác định bằng tiền lương có chứng cứ rõ ràng vậy công sức đóng góp của người vợ làm nội trợ dựa trên tiêu chí nào? Những bữa ăn gia đình, hay việc chăm sóc con cái, đối đã gia đình? Những yếu tố này phụ thuộc vào nhiều phạm trù khác nhau và khó có thể xác định được một cách chính xác nên vẫn còn những tranh chấp bất cập xảy ra.

Do vậy, Tòa án cần thu thập chứng cứ từ nhiều phía nhiều nguồn khác nhau bên cạnh đó, cũng cần xét đến hoàn cảnh riêng của vợ/chồng để có thể đưa ra kết luận cuối cùng hợp tình, hợp lý xem xét ở mức độ phù hợp và có thể chấp nhận để giải quyết các tranh chấp có liên quan đến vấn đề này một cách thấu đáo, để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi các bên.

Vụ án ly hôn thực tế cho thấy còn bất cập trong quá trình xác định công sức đóng góp khi chia tài sản trong vụ án ly hôn

Truyền thông đã tốn không ít giấy mực khi nói về vụ ly hôn bạc tỷ của vợ chồng ông chủ Cafe Trung Nguyên. Vấn đề nan giải và tranh chấp lên đỉnh điểm khi việc phân chia khối tài sản khổng lồ không có tiếng nói và mọi thứ cũng xoay quanh việc xác định công sức đóng góp của vợ chồng tạo dựng tài sản trong thời kỳ hôn nhân.

Khối tài sản tranh chấp gồm vàng, tiền mặt, ngoại tệ và vốn góp trong các công ty, ông Vũ đưa ra đề nghị tòa phân xử cho mình nhận 70%, còn 30% được chia cho bà Thảo. Về các bất động sản, ông Vũ đề nghị chia đôi.

Nếu ông Vũ muốn được chia phần tài sản chung nhiều hơn bà Thảo thì ông Vũ phải chứng minh mình có công sức đóng góp nhiều hơn. Ông phải chứng minh mình có đóng góp nổi bật cho thấy công sức nhiều hơn rõ rệt và phân biệt được với công sức đóng góp của bà Thảo. Và việc chứng minh thật sự khó khăn hơn cả.

Người ta thường nói "của chồng, công vợ" để thể hiện được sự bình đẳng và vị thế ngang bằng của người vợ và người chồng trong quá trình tạo lập tài sản trong thời kì hôn nhân. Tuy nhiên để chứng minh rạch ròi vấn đề đóng góp công sức thì thật là phức tạp.

(có 1 đánh giá)
Theo Quỳnh Ny
4.561