Việc sống thử trước hôn nhân dưới góc nhìn pháp luật và trong quan hệ xã hội

(có 1 đánh giá)

Vấn đề sống thử trước hôn nhân luôn là vấn đề nóng từ trước đến nay và chưa bao giờ mất đi tính thời sự. Tình trạng sống thử thường diễn ra đối với những người trẻ vậy bạn có thật sự hiểu khái niệm này và pháp luật điều chỉnh nó như thế nào và sống thử tác động đến đời sống quan hệ xã hội ra sao?

Sống thử dưới góc nhìn pháp luật

Sống thử là việc hai người nam, nữ có quan hệ tình cảm với nhau sống chung không có bất cứ ràng buộc nào theo quy định của pháp luật (giấy đăng ký kết hôn).

Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và các văn bản hướng dẫn liên quan thì việc nam nữ chưa đăng ký kết hôn mà sống chung với nhau như vợ chồng không bị coi là vi phạm pháp luật và không bị phạt hành chính hay xử lý hình sự, nam chưa vợ nữ chưa chồng sống với nhau một cách tự nguyện thì không gặp phải vấn đề gì.

Pháp luật chỉ quy định những người nào đang có vợ, có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thì tùy theo trường hợp có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 147 Bộ luật Hình sự về tội Vi phạm chế độ một vợ, một chồng.

Khi chung sống với nhau như vợ chồng, nam, nữ có nghĩa vụ đăng ký tạm trú theo quy định của Luật Cư trú. Nếu không đăng ký có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú. Theo đó, cá nhân chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì bị phạt từ 100.000 đến 300.000 đồng

Hình từ Internet

Tình trạng sống thử trong xã hội

Thật ra việc sống thử không xấu tuy nhiên nó phải đảm bảo 2 yếu tố đó là điều kiện cần và đủ. Người ta thường nói có thể hiểu rõ đối phương trước hôn nhân thì hôn nhân đích thực không phải là “nấm mồ chôn” mọi thứ. Có thể chấp nhận việc sống thử nếu cả hai đã ở một độ tuổi nhất định, có công ăn việc làm có định hướng tương lai và mong muốn gắn bó với đối phương còn lại có thể cùng chịu trách nhiệm với những gì xảy ra và cùng nhau giải quyết mọi vấn đề.

Một cặp đôi 18 tuổi mới rời ghế nhà trường quyết tâm sống thử tầm nhìn sẽ khác so với các cặp đôi trên 25 tuổi có ý định cùng nhau tạo lập mối quan hệ trước cuộc sống gia đình. Sống thử là một quyết định tương đối khó khăn nhất là bộ phận giới trẻ lúc mới yêu luôn muốn dành nhiều thời gian cho nhau. Việc lao vào nhau và xem rằng tình yêu này thật sự màu hồng sẽ dễ dàng vỡ mộng thông qua quá trình sống thử.

Hàng loạt khó khăn thách thức đặt ra từ việc bất đồng về quan điểm, lối sống, tính cách sẽ dần làm những người yêu nhau trở nên xa cách và lạc lõng hơn chưa kể hệ lụy mà việc người trẻ sống thử mang lại là khôn lường. Hằng năm tình trạng nạo phá thai vẫn tăng cao mà nguyên nhân do đâu có lẽ ai cũng dễ dàng hiểu.

Sống thử không trái với quy định của pháp luật nhưng không đồng nghĩa nó đúng với đạo đức thuần phong mỹ tục của nước ta. Thời đại có văn minh đến đâu thì việc sống thử chưa bao giờ được xã hội, người lớn chấp nhận dù là nguyên nhân gì đi nữa.

Kết luận lại thì việc sống thử trước hôn nhân là sự lựa chọn tự nguyện ở mỗi người vì không ai được phép cấm đoán hay pháp luật có chế tài riêng cho trường hợp này. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là đạo đức, thuần phong mỹ tục cũng như những hệ thụy mà nó mang lại. Người trẻ có quyền thử nhưng phải chịu trách nhiệm với những quyết định mình đã đưa ra.

(có 1 đánh giá)
Theo Quỳnh Ny
6.695