Văn bản dưới luật là gì? Có những loại văn bản dưới luật nào?

(có 2 đánh giá)

Tôi thường hay nghe người ta nhắc đến văn bản dưới luật. Cho tôi hỏi văn bản dưới luật là gì? Có những loại văn bản dưới luật nào? Tôi mong mình nhận được câu trả lời sớm. Câu hỏi của chị N.T.P ở Lâm Đồng.

Văn bản dưới luật là gì?

Văn bản dưới luật là tên gọi chung các văn bản mà nội dung là quy phạm pháp luật do các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, cơ quan quyền lực nhà nước, quản lý nhà nước ở địa phương, ban hành để cụ thể hóa một vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội, được pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội giao, hay để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình được quy định trong Hiến pháp, Luật tổ chức. Văn bản dưới luật không được trái với hiến pháp, với luật.

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.

Văn bản dưới luật là gì? Có những loại văn bản dưới luật nào?

Văn bản dưới luật là gì? Có những loại văn bản dưới luật nào? (Hình từ Internet)

Có những loại văn bản dưới luật nào?

Hiện nay, có những loại văn bản dưới luật sau:

(1) Pháp lệnh

Pháp lệnh được ban hành bởi Ủy ban thường vụ Quốc hội để quy định những vấn đề được Quốc hội giao.

Pháp lệnh thường quy định và điều chỉnh những mối quan hệ xã hội quan trọng, cơ bản nhưng chưa được văn bản luật quy định một cách chi tiết hoặc chưa được Quốc hội quy định. Pháp lệnh ban hành một thời gian có thể được xem xét trở thành văn bản Luật.

(2) Nghị quyết

Có nhiều cơ quan được pháp ban hành Nghị quyết với những mục đích và nội dung khác nhau, gồm:

- Nghị quyết do Quốc hội ban hành để quy định: Tỷ lệ phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành,...

- Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành để giải thích Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh; hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân;...

- Nghị quyết liên tịch giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ với Đoàn chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam được ban hành để quy định chi tiết những vấn đề được luật giao.

- Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử thông qua tổng kết việc áp dụng luật, giám đốc việc xét xử.

- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên;...

Ngoài ra, Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã cũng được phép ban hành Nghị quyết.

(3) Lệnh của Chủ tịch nước

Được hiểu như một mệnh lệnh, một văn bản do người đứng đầu nhà nước ban hành để quy định những điều quan trọng, cấp thiết, mang tính bắt buộc, khẩn cấp, thường được ban hành và áp dụng trong những hoàn cảnh đặc biệt.

(4) Nghị định

Nghị định là văn bản quy phạm pháp luật được Chính phủ ban hành để quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước,...Ngoài ra còn được ban hành để quy định những quyền lợi và nghĩa vụ của người dân theo Hiến pháp và Luật hiện hành.

(5) Quyết định

Quyết định được ban hành bởi nhiều cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mỗi chủ thể khác nhau sẽ ban hành Quyết định với những nội dung và mục đích khác nhau.

- Quyết định của Chủ tịch nước, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định của Tổng kiểm toán nhà nước.

- Quyết định của Uỷ ban nhân dân các cấp.

(6) Thông tư

Thông tư được cơ quan có thẩm quyền ban hành với mục đích chính là giải thích, hướng dẫn cụ thể, chi tiết những quy định được giao trong Luật hoặc những văn bản mang tính chuyên môn, những văn bản thuộc phạm vi quản lý từng ngành.

Thông tư được ban hành bởi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Bên cạnh đó còn có Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Ngôn ngữ trong văn bản dưới luật phải đảm bảo yêu cầu nào?

Yêu cầu đối với ngôn ngữ trong văn bản dưới luật được quy định tại Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 như sau:

Ngôn ngữ, kỹ thuật văn bản quy phạm pháp luật

1. Ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật là tiếng Việt.

Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu.

2. Văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác.

3. Tùy theo nội dung, văn bản quy phạm pháp luật có thể được bố cục theo phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm; các phần, chương, mục, tiểu mục, điều trong văn bản quy phạm pháp luật phải có tên. Không quy định chương riêng về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, khen thưởng, xử lý vi phạm trong văn bản quy phạm pháp luật nếu không có nội dung mới.

4. Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Chính phủ quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan, người có thẩm quyền khác được quy định trong Luật này.”

Như vậy, ngôn ngữ sử dụng trong văn bản dưới luật phải là tiếng việt, chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu.

(có 2 đánh giá)
Trần Thị Tuyết Vân
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
14.018 
Việc làm mới nhất