Tử tù có được hiến tạng cho y học hay không?

(có 1 đánh giá)

Vụ án giết mới đây được đưa ra xét xử tại TAND TP Hà Tĩnh, theo đó khi nói lời cuối cùng, bị cáo nhận thấy rằng tội mình khó thóa khỏi án tử hình nên đã bày tỏ nguyện vọng sau khi chết được hiến tạng phục vụ cho y học.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam, trước đó những tội phạm trong những vụ thảm án như Nguyễn Hải Dương, Nguyễn Văn Tình cũng đã bày tỏ nguyện vọng này trước HĐXX. Xét về mặt đạo đức xã hội, việc muốn được hiến xác cho y học sau khi chết phần nào cho thấy sự ăn năn hối lỗi của tội phạm. Việc muốn làm việc tốt để cứu đời, giúp người có thể giúp cho những tội phạm lĩnh án tử có thể được phần nào thanh thản khi “nhắm mắt xuôi tay” vì làm được những điều tốt để phần nào bù đắp cho những tội ác mình gây ra. Nhưng thực tế việc hiến xác, hiến tạng không đơn giản như nhiều người, trong đó có các bị cáo vẫn nghĩ. Việc hiến xác, hiến tạng phải tuân theo những quy định rất gắt gao. Cụ thể pháp Luật Việt Nam quy định như thế nào hãy cùng tìm hiểu.

Pháp luật Việt Nam hiện nay không cấm tử tù hiến tạng, hiến xác

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 20 Hiến pháp 2013 thì mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Điều này được hiểu rằng tất cả mọi người đều có quyền này, không loại từ là tử tù.

Bên cạnh đó Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2016 cũng quy định "người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác".

Từ hai căn cứ trên, có thể kết luận khi một người bị tuyên án tử hình (Chắc chắn đã trên 18 tuổi và đầy đủ năng lực hành vi dân sự) có quyền được hiến xác, hiến tạng.

Tuy nhiên y học không cho phép tử tù được thực hiện nguyện vọng hiến tạng

Như phân tích ở trên, pháp luật hiện nay không cấm tử tù hiến tạng, hiến xác để phục vụ cho y học. Tuy nhiên có thể thấy theo quy định của Luật thi hành án hình sự hiện hành vì án tử hình được thực thi bằng hình thức tiêm thuốc độc. Khi cơ thể đã bị tiêm thuốc độc thì các cơ quan, mô, bộ phận cơ thể người đã bị nhiễm độc. Khi cơ thể đã chết thì các cơ quan, mô, bộ phận không thể sử dụng để phục vụ cho việc cấy, ghép cứu người theo các thủ thuật y khoa.

Chính vì vậy, việc tử tù hiến tạng tuy không cấm nhưng không thể thực hiện.

Tại sao không mổ lấy nội tạng trước khi thi hành án tử?

Sẽ có câu hỏi như trên được đặt ra. Nhiều người sẽ thắc mắc rằng, tử tù “đằng nào cũng chết”, vậy tại sao không mổ lấy nội tạng, mô, bộ phận cơ thể người trước khi tiêm thuốc độc?

Có thể giải thích rằng mục đích của việc thi hành án tử hình là nhằm trừng trị tội ác mà tử tù đã gây ra. Luật thi hành án hình sự chỉ quy định 1 phương thức tử hình đó là tiêm thuốc độc. Mọi trường hợp làm cho người bị tuyên án tử hình chết không phải bằng hình thức tiêm thuốc độc đúng theo quy trình thi hành án đêu được xem là hành vi làm chết người trái pháp luật. Bên cạnh đó, sự nghiêm minh của pháp luật, tính răn đe của BLHS cũng sẽ bị phương hại.

Bên cạnh đó, trong nghề Y, các y bác sỹ trước khi vào nghề đều phải thề một lời thề Hippocrates. Việc các bác sỹ thực hiện mổ lấy mô, bộ phận, cơ thể người trên một cơ thể người sống, sau đó làm cho họ chết đi là một hành động đi trái với lời thề Hippocrates. Và các bác sỹ chắc chắn sẽ từ chối thực hiện.

 

(có 1 đánh giá)
Theo Trương Nguyễn Thạch
3.108