Từ 01/09/2020 đăng ký khai sinh muộn không còn bị phạt.

Ngày 01/09/2020 Nghị định 82/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã đã thay đổi nhiều nội dung. Một trong những nội dung đáng chú ý được nêu tại nghị định này là bỏ hình phạt cảnh cáo khi đăng ký khai sinh muộn cho con.

Cụ thể trước đó tại điều 27 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai sinh cụ thể như sau:

1. Cảnh cáo đối với người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em mà không thực hiện việc đăng ký đúng thời hạn quy định.

2. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Làm chứng sai sự thật về việc sinh;

b) Cố ý khai không đúng sự thật về nội dung khai sinh;

c) Sử dụng giấy tờ giả để làm thủ tục đăng ký khai sinh.

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ để làm thủ tục đăng ký khai sinh.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Hủy bỏ giấy tờ giả đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 3, Khoản 4 Điều này.

Có nghĩa là: người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em mà không thực hiện đúng thời hạn quy định sẽ bị phạt cảnh cáo. Trong đó, thời hạn quy định là 60 ngày kể từ ngày sinh con.

Tuy nhiên đến điều 37 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai sinh cụ thể như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Cam đoan, làm chứng sai sự thật về việc sinh;

b) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh;

c) Sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký khai sinh.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy khai sinh đã cấp do có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này; giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.

Có thể thấy vài điểm khác biệt trong Nghị định mới ban hành:

Nghị định 82 có hiệu lực từ 1/9 đã bãi bỏ quy định phạt cảnh cáo đối với việc đăng ký khai sinh muộn. Như vậy, bố mẹ đăng ký khai sinh muộn cho con sẽ không còn bị phạt.

Nghị định này cũng tăng mạnh mức phạt đối với các vi phạm về đăng ký khai sinh như:

Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ đã được cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh, phạt 1-3 triệu đồng.

Cam đoan, làm chứng sai sự thật về việc sinh; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh; sử dụng giấy tờ của người khác để đăng ký khai sinh, phạt 3-5 triệu đồng.

Việc đăng ký giấy khai sinh cho trẻ là quyền và nghĩa vụ của cha mẹ tuy nhiên có những trường hợp bất khả kháng mà việc đăng ký không thể hoàn thành trong vòng 60 ngày nên bỏ quy định phạt cảnh cáo đối việc đăng ký giấy khai sinh muộn được xem là hợp lý đồng thời tăng mạnh các mức phạt về vi phạm đăng ký khai sinh cũng được xem là thích đáng để tránh các trường hợp sai phạm gây hậu quả pháp lý sau này.

Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.876 
Việc làm mới nhất