Trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ được điều chỉnh như thế nào từ 1/7/2024 khi cải cách tiền lương?

(có 1 đánh giá)

Cho tôi hỏi sau cải cách tiền lương thì trợ cấp bảo hiểm xã hội thay đổi thế nào? Mức hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội sau khi bỏ lương cơ sở là bao nhiêu? Nhóm người lao động nào phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội? câu hỏi của anh K (Đồng Tháp).

Cải cách tiền lương ảnh hưởng gì đến trợ cấp bảo hiểm xã hội từ 1/7/2024?

Ngày 10/11/2023, Quốc hội biểu quyết thông qua dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024.

Theo đó, từ 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018. Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương được bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách Nhà nước.

Cùng với cải cách tiền lương, nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Tại Nghị quyết của Quốc hội có nêu rõ với các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước của Trung ương đang thực hiện các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù, từ 01/01/2024 đến ngày 30/6/2024, tiền lương và thu nhập tăng thêm hàng tháng tính theo lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 12/2023.

Như vậy, từ 01/07/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương đồng thời sẽ điều chỉnh các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ được điều chỉnh như thế nào từ 1/7/2024 khi cải cách tiền lương?

Trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ được điều chỉnh như thế nào từ 1/7/2024 khi cải cách tiền lương? (Hình từ Internet)

Đề xuất mức hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội sau khi bỏ lương cơ sở là bao nhiêu?

Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ được tính theo mức lương cơ sở, cụ thể:

(1) Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau:

Mức hưởng một ngày bằng 30% mức lương cơ sở (theo khoản 3 Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội 2014);

(2) Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi (theo Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014):

Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

- Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở (theo khoản 3 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

(3) Trợ cấp một lần liên quan đến tai nạn lao động (theo Điều 46 Luật Bảo hiểm xã hội 2014):

+ Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;

+ Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

(4) Trợ cấp hàng tháng liên quan đến tai nạn lao động (theo Điều 47 Luật Bảo hiểm xã hội 2014):

+ Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;

(5) Trợ cấp phục vụ (Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng quy định tại Điều 47 của Luật này, hằng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.

(6) Trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Điều 51 Luật Bảo hiểm xã hội 2014):

Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở.

(7) Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật (Điều 52 Luật Bảo hiểm xã hội 2014):

- Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày.

- Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình; bằng 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung.

Trong khi đó, nếu theo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội thì các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ không tính theo lương cơ sở mà sẽ được quy ra thành một khoản tiền nhất định.

Cụ thể, mức hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội như sau:

- Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau: 540.000 đồng/ngày. (Điều 50 Dự thảo).

- Trợ cấp 1 lần khi sinh con, nhận nuôi con nuôi: 3,6 triệu đồng/con. (Điều 63 Dự thảo).

- Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản: 540.000 đồng/ngày. (Điều 66 Dự thảo).

- Trợ cấp mai táng: 18 triệu đồng. (Điều 90 Dự thảo).

- Trợ cấp tuất hàng tháng: (Điều 92 Dự thảo)

+ Trợ cấp tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân: Trợ cấp tuất hàng tháng = 900.000 đồng/tháng.

+ Trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng: Trợ cấp tuất hàng tháng = 1,26 triệu đồng/tháng.

Các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội nêu trên sẽ được điều chỉnh khi Chính phủ thực hiện điều chỉnh lương lưu và các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng dựa trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội (Điều 74 Dự thảo).

Đề xuất nhóm người lao động là đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc?

Cụ thể tại khoản 1 Điều 3 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội thì các đối tượng lao động sau phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc:

(1) Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp hai bên không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên, trừ hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật lao động;

- Cán bộ, công chức, viên chức;

- Công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

- Hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; dân quân thường trực;

- Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

- Người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước và đi theo chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài;

- Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương;

- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;

- Người lao động quy định tại điểm a khoản này làm việc không trọn thời gian, có mức tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất quy định tại điểm e khoản 1 Điều 30 của Luật này;

- Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh;

- Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương.

(2) Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam, trừ các trường hợp sau:

- Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp;

- Tại thời điểm giao kết hợp đồng lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019;

- Thuộc đối tượng điều chỉnh của Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia có quy định khác.

(có 1 đánh giá)
Theo Phạm Thị Xuân Hương
2.598