Tốt nghiệp Cử nhân Luật có làm điều tra viên hình sự được không?

(có 1 đánh giá)

Vai trò của điều tra viên hình sự? Người tốt nghiệp Cử nhân Luật có làm điều tra viên hình sự được không? Các kỹ năng cần thiết để trở thành điều tra viên hình sự? Quy trình bổ nhiệm điều tra viên hình sự?

Vai trò của điều tra viên hình sự?

Theo quy định tại Điều 45 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015: Điều tra viên là người được bổ nhiệm để làm nhiệm vụ Điều tra hình sự trong các vụ án.

Điều tra viên gồm có các ngạch sau đây:

- Thứ nhất: Điều tra viên sơ cấp.

- Thứ hai: Điều tra viên trung cấp.

- Thứ ba: Điều tra viên cao cấp.

Điều tra viên hình sự đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tư pháp hình sự. Điều tra viên hình sự có vai trò trong tìm kiếm, thu thập và bảo quản các chứng cứ liên quan đến vụ án hình sự. Đánh giá các chứng cứ và thông tin thu thập được để xác định sự thật của vụ án. Ghi chép chi tiết về quá trình điều tra và chuẩn bị báo cáo. Góp phần ngăn chặn tội phạm thông qua việc điều tra và bắt giữ tội phạm.

Người tốt nghiệp Cử nhân Luật có làm điều tra viên hình sự được không?

Theo Điều 46 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 quy định về tiêu chuẩn làm điều tra viên hình sự như sau:

Tiêu chuẩn chung của Điều tra viên

1. Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

2. Có trình độ đại học An ninh, đại học Cảnh sát hoặc cử nhân luật trở lên.

3. Có thời gian làm công tác pháp luật theo quy định của Luật này.

4. Đã được đào tạo về nghiệp vụ Điều tra.

5. Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Như vậy, người tốt nghiệp cử nhân luật có thể làm điều tra viên hình sự khi đáp ứng được các điều kiện về tiêu chuẩn chung của Điều tra viên như sau:

- Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

- Có trình độ đại học An ninh, đại học Cảnh sát hoặc cử nhân luật trở lên.

- Có thời gian làm công tác pháp luật theo quy định của Luật này.

- Đã được đào tạo về nghiệp vụ Điều tra.

- Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tốt nghiệp Cử nhân Luật có làm điều tra viên hình sự được không?

Tốt nghiệp Cử nhân Luật có làm điều tra viên hình sự được không? (Hình từ Internet)

Các kỹ năng cần thiết để trở thành điều tra viên hình sự?

Điều tra viên phải đặt ra các giả thiết, tìm ra lời giải, thu thập chứng cứ và xem xét đánh giá, chắp nối các sự kiện sao cho tái hiện lại việc phạm tội đã xảy ra trong quá khứ được chính xác nhất. Để làm được điều đó Điều tra viên hình sự cần có những kỹ năng như phân tích logic và tư duy phản biện: Có thể phân tích các bằng chứng, tìm ra mối liên hệ và đưa ra các giả thuyết hợp lý. Kỹ năng quan sát, điều tra viên hình sự cần chú ý đến từng chi tiết nhỏ tại hiện trường vụ án để tìm kiếm những bằng chứng cho vụ án.

Bên cạnh đó điều tra viên hình sự cần có khả làm việc dưới áp lực, giữ được bình tĩnh và tập trung trong các tình huống căng thẳng. Có tính kiên nhẫn và kiên trì, sẵn sàng theo đuổi các manh mối trong thời gian dài.

Ngoài ra, điều tra viên hình sự còn cần phải nắm vững kiến thức pháp luật để hiểu rõ luật pháp áp dụng và quy trình tố tụng hình sự.

Với một thời đại mà khoa học công nghệ phát triển, điều tra viên hình sự còn phải thành thạo các công cụ và phần mềm điều tra hiện đại.

Quy trình bổ nhiệm điều tra viên hình sự?

1. Quy trình bổ nhiệm Điều tra viên qua thi tuyển:

- Bước 1: Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao căn cứ nhu cầu, chỉ tiêu, số lượng chức danh được giao cho chủ trương thi tuyển và bổ nhiệm.

- Bước 2: Vụ Tổ chức cán bộ tập hợp hồ sơ dự thi; các tài liệu có liên quan (nếu có) tuyển chọn người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi.

- Bước 3: Sau khi thực hiện đầy đủ quy trình về việc thi tuyển Điều tra viên theo quy định, Hội đồng thi tuyển Điều tra viên tổ chức kỳ thi thông báo danh sách những người trúng tuyển và đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm người đã trúng tuyển vào chức danh Điều tra viên các ngạch theo quy định.

2. Quy trình bổ nhiệm Điều tra viên trong trường hợp đặc biệt:

Việc bổ nhiệm Điều tra viên trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 50 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 được thực hiện như sau:

- Đối với việc bổ nhiệm Điều tra viên ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Tập thể lãnh đạo và Ban thường vụ Đảng ủy Cơ quan điều tra xem xét, thảo luận có ý kiến về việc bổ nhiệm Điều tra viên không qua thi tuyển bằng phiếu kín. Nhân sự được trên 50% số phiếu đồng ý thì Lãnh đạo, Ban thường vụ Đảng ủy Cơ quan điều tra có tờ trình gửi Vụ Tổ chức cán bộ để thẩm định trình Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định.

- Đối với việc bổ nhiệm Điều tra viên ở Viện kiểm sát quân sự trung ương: Tập thể lãnh đạo và Ban thường vụ Đảng ủy Cơ quan Viện kiểm sát quân sự trung ương xem xét, thảo luận có ý kiến về việc bổ nhiệm Điều tra viên không qua thi tuyển bằng phiếu kín. Nhân sự được trên 50% số phiếu đồng ý thì Lãnh đạo, Ban thường vụ Đảng ủy Cơ quan Viện kiểm sát quân sự trung ương có tờ trình gửi Vụ Tổ chức cán bộ để thẩm định trình Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định.

(có 1 đánh giá)
Nguyễn Thị Thanh Xuân
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.178 
Việc làm mới nhất