Thủy Tiên đi làm từ thiện có cần phải lập “quỹ từ thiện” không?

Mưa bão vẫn đang để lại những hậu quả đau thương cho người dân miền Trung. Các cơ quan chức năng, lực lượng cứu hộ vẫn đang cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Bên cạnh đó, những cá nhân, những tấm lòng hảo tâm vẫn đang cố gắng góp tiền để ủng hộ đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả. Có những ý kiến thắc mắc là việc dùng tiền cũng như kêu gọi từ thiện của những cá nhân đó có cần phải làm thủ tục pháp lý gì không?

Hiện nay Pháp luật Việt Nam có quy định điều chỉnh những hoạt động, tổ chức của quỹ từ thiện. Cụ thể tại Nghị định 93/2019/NĐ-CP có một số quy định như sau.

1. Quỹ từ thiện là gì?

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 của Nghị định này, quỹ từ thiện là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích hỗ trợ khắc phục sự cố do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn, yếu thế cần sự trợ giúp của xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận.

2. Nguyên tắc hoạt động của quỹ từ thiện là gì?

  • Thành lập và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
  • Tự nguyện, tự chủ, tự trang trải và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng tài sản của mình.
  • Tổ chức, hoạt động theo quy định của pháp luật và điều lệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
  • Công khai, minh bạch về tổ chức, hoạt động và thu, chi tài chính, tài sản của quỹ.
  • Không phân chia tài sản.

3. Quỹ từ thiện có tư cách pháp nhân hay không?

  • Quỹ có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.
  • Quỹ được chọn tên và biểu tượng. Tên và biểu tượng của quỹ phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Không trùng lắp hoặc gây nhầm lẫn với tên hoặc biểu tượng của quỹ khác đã được đăng ký trước đó;

- Không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc;

- Quỹ phải có tên bằng tiếng Việt và có thể được dịch ra tiếng quốc tế theo quy định của pháp luật.

4. Cá nhân kêu gọi từ thiện có bắt buộc phải thành lập quỹ từ thiện hay không?

Theo quy định hiện nay, tại Nghị định 93/2019/NĐ-CP không có điều khoản nào quy định về hoạt động từ thiện, tự nguyện của công dân, cụ thể là không quy định về hoạt động cứu trợ tự phát của công dân. Theo nguyên tắc áp dụng pháp luật, công dân được làm những gì mà nhà nước không cấm, vì vậy việc cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp mục đích từ thiện là không vi phạm pháp luật.

Như vậy, chỉ cần một cá nhân kêu gọi quyên góp trên danh nghĩa của chính mình chứ không giả mạo hay mượn danh nghĩa hưởng ứng lời kêu gọi của những cá nhân, tổ chức từ thiện, cơ quan đoàn thể khác thì không vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp với ca sỹ Thủy Tiên, chính Thủy Tiên được xem là người đi cứu trợ bởi Thủy Tiên là người đóng góp, kêu gọi và chính Thủy Tiên đích thân đi cứu trợ, chính vì vậy Thủy Tiên cũng như các trường hợp tương tự không chỉ là người kêu gọi, vận động từ thiện. Pháp luật quy định về việc thành lập quỹ từ thiện để điều chỉnh những trường hợp là những cá nhân, tổ chức thành lập những quỹ từ thiện mà chưa/không góp tiền, tài sản. Sau đó mới đi kêu gọi tiền/tài sản từ cộng đồng, xã hội. Quy định này đặt ra nhằm tránh những trường hợp thành lập những “quỹ ảo” nhằm trục lợi, đi trái với mục đích từ thiện, nhân đạo.

Cho nên việc kêu gọi mang tính tự phát nhằm tập hợp một nhóm người với nhau để cùng đi cứu trợ, thì nhà nước không cần phải điều chỉnh. Thậm chí những người này có quyền cứu trợ trực tiếp mà không cần thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền, miễn rằng hoạt động thu chi giữa người đứng ra kêu gọi, cứu trợ phải đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng. Tránh những trường hợp mâu thuẫn phát sinh giữa những người có đóng góp với nhau.

Theo Trương Nguyễn Thạch
4.047