Sự cần thiết phải lập kế hoạch học tập và rèn luyện của sinh viên luật

(có 4 đánh giá)

Sinh viên luật hãy bắt tay ngay vào việc xây dựng cho mình một kế hoạch học tập và rèn luyện phù hợp và thực hiện nó để có thể đạt được thành công trong tương lai.

Kế hoạch học tập và rèn luyện là một phương pháp hiệu quả để giúp sinh viên luật định hướng con đường đại học và có trách nhiệm về kết quả học tập của mình.

Mấu chốt quan trọng nhất trong phương pháp này là quản lý thời gian của bản thân. Đây là một thách thức lớn bởi ngoài việc học tập tại trường, sinh viên luật còn có thể tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khoá và những hoạt động khác ngoài xã hội.

Lập mẫu kế hoạch học tập sẽ cho phép sinh viên luật tìm được cách thức quản lý thời gian để có thể đảm bảo dành đủ thời gian hoàn thành bài tập về nhà, ôn lại kiến thức trên lớp, đồng thời tự nhắc nhở về những bài kiểm tra cũng như kỳ thi sắp sửa diễn ra trong tương lai.

Có thể nói, kế hoạch học tập như một chiếc đồng hồ ghi nhớ và báo hiệu cho sinh viên luật, giúp sinh viên luật có kỷ luận tự giác và có quyết tâm để hoàn thành công việc của mình mà không cần có ai nhắc nhở.

Sự cần thiết phải lập kế hoạch học tập và rèn luyện của sinh viên luật

Sự cần thiết phải lập kế hoạch học tập và rèn luyện của sinh viên luật (Hình từ Internet)

Các bước lập kế hoạch học tập và rèn luyện của sinh viên luật

Có rất nhiều cách để sinh viên luật có thể tự xây dựng cho mình một kế hoạch học tập và rèn luyện phù hợp với thời gian biểu của mình. Dưới đây là các bước cần thiết để sinh viên luật có thể làm được điều này:

- Bước 1: Phân tích thói quen và phong cách học tập hiệu quả đối với bản thân, phân tích càng cụ thể thì hiệu quả mang lại sẽ càng cao.

- Bước 2: Đánh giá lịch trình hiện tại và quản lý thời gian của bản thân. Nếu thời gian biểu không dành nhiều thời gian cho việc học và việc học đang không hiệu quả, sinh viên luật cần xem xét lại lịch trình của mình để thời gian học tập phù hợp hơn.

- Bước 3: Xác định mục tiêu trước khi lập kế hoạch học tập cho bản thân. Xây dựng những mục tiêu ngắn hạn luôn luôn là giải pháp tốt nhất để có thể nhắc nhở và tạo động lực để phấn đấu đạt được mục tiêu dài hạn.

- Bước 4: Lập kế hoạch thời gian mà sinh viên luật cần để học cho mỗi lớp học. Sinh viên luật cần tính toán thời gian dành cho mỗi lớp học bởi một số khoá học có thể cần chuyên sâu và dành nhiều thời gian hơn so với các khoá học khác.

- Bước 5: Lập lịch trình cụ thể cho bản thân. Khi đã chuẩn bị đầy đủ các bước trên, sinh viên luật cần thiết kế một bản kế hoạch học tập cá nhân. Cần thiết kế đơn giản nhưng vẫn đủ những nội dung cần thiết.

- Bước 6: Bám sát và đánh giá kế hoạch học tập sau mỗi tuần. Dù kế hoạch học tập sẽ là một lịch trình dài, nhưng sinh viên luật cũng cần đánh giá kế hoạch này thường xuyên để chắc chắn rằng kế hoạch vẫn còn phù hợp, nếu thấy kế hoạch không còn phù hợp thì cần phải điều chỉnh kế hoạch để đạt được hiệu quả cao hơn.

Kế hoạch học tập và rèn luyện của sinh viên luật cần hướng đến mục tiêu gì?

(1) Kiến thức:

Kiến thức chuyên môn nền tảng là cái cơ bản nhất không thể thiếu không chỉ riêng đối với sinh viên luật mà đối với sinh viên tất cả các ngành. Một thành tích học tập tốt, xuất sắc sẽ luôn giúp bạn gây ấn tượng mạnh trong mắt nhà tuyển dụng ngay từ lúc ứng tuyển.

Do đó, đầu tiên, kế hoạch học tập và rèn luyện của sinh viên Luật cần phải hướng đến mục tiêu làm sao có thể tiếp thu được nhiều kiến thức nhất có thể.

(2) Kỹ năng:

Kỹ năng là những phương cách giúp sinh viên luật thực hiện được công việc một cách dễ dàng hơn. Có người nói rằng: Nếu có 6 giờ để đốn cây thì hãy giành 4 giờ để mài rìu, bạn sẽ chặt được cây trong 2 giờ còn lại một cách nhanh chóng và dễ dàng. Có kỹ năng tốt sẽ giúp con đường sự nghiệp của bạn sẽ phát triển dễ dàng hơn trong tương lai.

(3) Thái độ:

Thái độ tốt là yếu tố quan trọng hơn cả sẽ giúp sinh viên luật đạt được những thành tựu, thành công trong quá trình học tập cũng như phát triển sự nghiệp trong tương lai.

Thái độ tốt sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trình độ, vì kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm đều có thể trau dồi thêm trong quá trình làm việc, nhưng thái độ của bạn sẽ quyết định điều đó.

Ba yếu tố trên là vô cùng quan trọng đối với sinh viên nói chung và sinh viên luật nói riêng. Bạn chỉ thành công khi hội đủ ba yếu tố: kiến thức tốt, kỹ năng tốt, thái độ tích cực. Và sẽ trở nên khó khăn nếu bạn thiếu một trong các yếu tố trên.

Do đó, ngay từ bây giờ sinh viên luật hãy bắt tay ngay vào việc xây dựng cho mình một kế hoạch học tập và rèn luyện phù hợp và thực hiện nó để có thể đạt được 3 điều nêu trên.

 

(có 4 đánh giá)
Theo Mai Thanh Lợi
9.098