Quy định miễn trừ trách nhiệm pháp lý trong một số lĩnh vực

(có 1 đánh giá)

Cho tôi hỏi hiện nay có những quy định nào liên quan đến việc miễn trừ trách nhiệm pháp lý của một chủ thể? – Tuấn An (TPHCM)

Quy định miễn trừ trách nhiệm pháp lýtrong một số lĩnh vực

Một số vấn đề về miễn trừ trách nhiệm pháp lý (Hình từ internet)

Trách nhiệm pháp lý là gì?

Trước tiên đi đến khái niệm trách nhiệm pháp lý hãy cùng điểm qua định nghĩa về vi phạm pháp luật.

Vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật và có lỗi, do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ.

Trong đó, năng lực trách nhiệm pháp lý là khả năng mà pháp luật quy định cho chủ thể phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Theo quy định của pháp luật, chủ thể là cá nhân sẽ có năng lực này khi đạt đến một độ tuổi nhất định và trí tuệ phát triển bình thường. Chủ thể là tổ chức sẽ có khả năng này khi được thành lập hoặc được công nhận.

Trách nhiệm pháp lý là hậu quả pháp lý bất lợi thể hiện qua việc chủ thể phải gánh chịu những biện pháp cưỡng chế nhà nước được quy định trong phần chế tài của các quy phạm pháp luật, khi họ vi phạm pháp luật hoặc khi có thiệt hại xảy ra do những nguyên nhân khác được pháp luật quy định.

Vấn đề về miễn trừ trách nhiệm pháp lý

Dựa vào tính chất của trách nhiệm pháp lý có thể kể đến việc miễn trừ trách nhiệm pháp lý trong một số lĩnh vực như sau:

1/ Miễn trừ trách nhiệm pháp lý trong thương mại

Theo Luật Thương mại 2005, các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm gồm:

- Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

+ Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;

+ Xảy ra sự kiện bất khả kháng;

+ Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;

+ Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

- Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm.

2/ Miễn trừ trách nhiệm pháp lý về hình sự

Hiện nay, căn cứ miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) như sau:

- Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:

+ Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

+ Khi có quyết định đại xá.

- Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:

+ Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

+ Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;

+ Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

- Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Xác lập điều khoản miễn trách nhiệm trong dân sự

Điều 405 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:  “Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Điều 406Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định về điều khoản miễn trừ trách nhiệm trong điều kiện giao dịch chung, theo đó: “Điều kiện giao dịch chung phải bảo đảm sự bình đẳng giữa các bên. Trường hợp điều kiện giao dịch chung có quy định về miễn trách nhiệm của bên đưa ra điều kiện giao dịch chung, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì quy định này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Như vậy, Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định về điều khoản miễn trừ trách nhiệm trong các hợp đồng mẫu và điều kiện giao dịch chung.

(có 1 đánh giá)
Dương Châu Thanh
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.403 
Việc làm mới nhất