Phương pháp chữa bệnh “Ù lì”

(có 6 đánh giá)

“Ù lì” quả thật là cảm giác không mấy dễ chịu khi chúng ta cứ luôn trì hoãn, rề rà mọi thứ và chẳng việc nào xong việc nào. Đến một giới hạn nhất định của sự ù lì thì cuộc sống công việc của bạn sẽ thật sự là một vết trượt dài.

Thực trạng ù lì hiện nay

Lướt Wikipedia bạn sẽ nhận ra hàng loạt thuật ngữ liên quan đến sự “ù lì” như là trì hoãn, chần chừ, lề mề, lần nữa nhưng tóm gọn lại những từ này đều để chỉ đến thói quen của con người có xu hướng tự hòa hoãn, không bao giờ bắt tay vào một công việc nào ngay, thậm chí là ngưng trệ chậm trễ và có xu hướng sợ sệt dè chừng với mọi hoạt động, mọi kế hoạch sẽ làm trong tương lai.

Có thể các bạn sẽ hơi mơ hồ về dạng người này nên tôi sẽ lấy ví dụ thực tế về một người bạn có cá tính đặc trưng như trên và hệ quả là bạn ấy thất nghiệp xấp xỉ 01 năm kể từ ngày ra trường và đến giờ vẫn chưa có ý định tìm việc.

Bạn tôi không phải là kiểu người nhút nhát hay không hòa động nhưng lại hay có động thái tự hòa hoãn với chính bản thân mình như là việc đã lên kế hoạch cuối tuần này sẽ tổng vệ sinh nhà cửa thì vì phát hiện một bộ phim dài 16 tập quá hay mà cô nàng quyết định dành cả ngày để xem hết hệ quả là căn phòng vẫn giữ nguyên trạng thái cho đến chủ nhật tuần kế tiếp và tôi không chắc đến chủ nhật tuần sau cô bạn của mình lại có những kế hoạch nào khác hay không.

Trong công việc cũng vậy, không phải bạn không muốn tìm việc mà bạn ấy có xu hướng “chậm lại” đầu năm 2020 tôi gửi hàng loạt “job” phù hợp và hối thúc hãy nộp CV ứng tuyển nhưng vẫn là những lời hẹn: “Mới tết xong, qua tháng mới hẵn nộp.” Bạn nghĩ công việc đó sẽ đứng yên đợi bạn tới đầu tháng kế tiếp hay sao?

Tháng 03/2020 dịch Covid bùng nổ hàng loạt doanh nghiệp ngưng tuyển dụng thậm chí còn cắt giảm nhân sự. Phải khó khăn lắm mới xếp được lịch phỏng vấn với một công ty tương đối ổn định thì một lần nữa cô bạn của tôi lại hủy và hẹn qua dịch sẽ chủ động liên hệ với quý công ty, kể từ đó đến nay đã được 05 tháng và công ty này chắc cũng tuyển được mấy đợt nhân viên có lẽ.

Hiện tại bạn tôi đang “đi làm thêm” trong một cửa hàng quần áo và bạn ấy nghĩ trong thời buổi dịch bệnh hoành hành thì công việc này khá ổn. Mỗi lần tôi đề cập đến vấn đề hãy kiếm một công việc nghiêm túc thì lại nhận được những cái thở dài như “ do dịch mà; công ty mình muốn ứng tuyển đang không tuyển dụng, đầu năm sau kiếm việc cũng chưa muộn,…”

Sự “ù lì” đó thật sự là trở ngại lớn trong việc phát triển bản thân của mỗi người. Nó cản trở hoạt động bình thường không diễn ra suôn sẻ như quy luật vốn có. Rõ ràng là học xong phải tốt nghiệp, tốt nghiệp xong thì tìm việc làm nhưng thay vì vậy một số bạn hằng ngày vẫn trì hoãn tìm việc vì hàng vạn lý do đặt ra. Chúng ta có quyền làm những điều giúp cho bản thân thấy dễ chịu nhưng điều đó không có nghĩa là cho phép chính mình “say no” mọi cơ hội đến.

Phương pháp chữa bệnh “Ù lì”

Phương pháp chữa bệnh “Ù lì”  (Hình từ Internet)

Phương pháp chữa bệnh "ù lì"

  • Hãy tái khởi động cơ chế chống lại sự trì hoãn, ù lì trong con người bạn. Rõ ràng khả năng của bạn có thể làm được nhiều hơn là ngồi chờ đúng lúc, chờ cảm hứng đến mới tiến hành tìm việc. Hãy xử lý sắp xếp trật tự trong cuộc sống thường nhật theo những cách sau:
  • Lên kế hoạch cụ thể cho những dự định tương lai cần hướng đến.
  • Tập bỏ thói quen xấu từ những điều nhỏ nhất như lịch đã hẹn trước, dọn dẹp nhà cửa, thiết lập “to do list” và hoàn thành mọi danh sách đã lập ra theo thứ tự ưu tiên làm trước.
  • Tập tính đặt thời hạn cho bản thân. Ví dụ bạn cho mình thời gian tìm việc trong vòng 02 tuần thì phải cố gắng làm sao để đạt được điều đó.
  • Đừng tham lam những việc không cần thiết mà chú trọng những điểm chính trong cuộc đời mình.
  • Chia nhỏ công việc cần làm và đặt lịch để hoàn tất chúng.
  • Mệt mỏi có quyền nghỉ ngơi nhưng tuyệt đối đừng cho phép bản thân chuyển sang chế độ lười biếng.
  • Ngưng đổ lỗi, lý do để ngụy biện cho hành động của mình.
  • Tự thưởng cho bản thân. Điều này như là một sự khích lệ cho sự thay đổi đáng tuyên dương của chính mình. Có nhiều cách tự thưởng như xem một bộ phim hay, ăn một món ăn ngon hoặc tự tặng cho mình một cuốn sách thúc đẩy năng lượng cuộc sống.

Không có phương pháp nào có thể chắc chắn 100% chữa hết căn bệnh “ù lì” ngoài chính bản thân bạn tự nhận thức và thay đổi từng ngày.

(có 6 đánh giá)
Theo Quỳnh Ny
6.902