"Ma trận app" chống dịch ở Việt Nam cần tích hợp một ứng dụng duy nhất

QR CODE, Bluezone, Sổ sức khỏe điện tử… và mới đây nhất là VNEID đều là các ứng dụng để quản lý khai báo y tế, truy vết, quản lý tiêm chủng thế nhưng sự bội thực của các ứng dụng, công năng không mang lại hiệu quả cao khiến người dân lúng túng trong sử dụng. Vì lẽ đó Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam yêu cầu làm một ứng dụng duy nhất phục vụ chống dịch.

Chỉ đạo trên được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu tại cuộc làm việc chiều 10/9 với lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải, một số doanh nghiệp công nghệ thông tin… về ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Nhận định chung của đại diện các bộ, ngành là vừa qua, các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ phòng, chống dịch đóng vai trò rất quan trọng trong thực hiện khai báo y tế điện tử; truy vết, phát hiện người tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19; quản lý người cách ly, giám sát các khu cách ly; đánh giá nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương; quản lý công tác tiêm chủng, kết quả xét nghiệm…

Các bộ, ngành, doanh nghiệp đã phát triển nhiều giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch nhưng thiếu sự kết nối, chia sẻ. Nhiều công cụ khi triển khai trong thực tế chưa tạo thuận lợi cho người dân sử dụng. Thực tế ghi nhận, nhiều người dân tỏ ra lúng túng khi phải sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch khác nhau.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, yêu cầu đặt ra là trong thời gian sớm nhất phải có một ứng dụng duy nhất phục vụ phòng, chống dịch, thuận tiện cho người dân sử dụng, đáp ứng được yêu cầu về thông tin, dữ liệu phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Phó Thủ tướng nêu đầu bài, ứng dụng phải thuận tiện để người dân sử dụng và phục vụ thiết thực cho phòng, chống dịch và giao Bộ Thông tin và Truyền thông làm đầu mối chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ quan liên quan khẩn trương phát triển ứng dụng mới, đồng thời hướng dẫn chi tiết, triển khai đồng loạt. Thông tin người dân đã khai báo trên các ứng dụng trước đây được tự động cập nhật, chuyển sang ứng dụng mới, không phải khai báo lại từ đầu.

Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ tích hợp tất cả dữ liệu được hình thành từ các ứng dụng, công cụ có sẵn trước đây thành cơ sở dữ liệu thống nhất, tiếp tục được cập nhật thường xuyên khi người dân dùng ứng dụng mới.

Các thông tin về sức khỏe, lịch sử đi lại, tiếp xúc của người dân được quản lý tập trung, thống nhất và chỉ phục vụ cho mục đích phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn thông tin, không được sử dụng vào bất kỳ mục đích nào khác.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công an phát huy thế mạnh là cơ quan quản lý dữ liệu của người dân, với vai trò là một trong những lực lượng nòng cốt trong phòng chống dịch ở địa phương, để tham mưu cho chính quyền các cấp tổ chức triển khai và kiểm tra, giám sát việc thực hiện ứng dụng mới trong phòng, chống dịch.

Bộ Y tế nhận nhiệm vụ chỉ đạo việc cập nhật hồ sơ sức khỏe của người dân, kết quả xét nghiệm, kết quả tiêm vắc xin, điều trị bệnh nhân Covid-19…, tích hợp các dữ liệu này về Bộ Thông tin và Truyền thông để phục vụ cho việc triển khai ứng dụng mới.

Thực tế cho thấy hiện nay có gần 10 app chống dịch ở Việt Nam phải kể đến như là: Bluezone, Sổ sức khỏe, An sinh, Y tế TPHCM, Giúp tôi!, NCOVI, Quản lý cách ly,.. và mới nhất là VNEID.

Việc ứng dụng công nghệ phục vụ phòng chống dịch là điều cần thiết. Nhìn chung các ứng dụng được triển khai nhanh chóng, đạt hiệu quả nhất định nhưng số lượng nhiều, dễ gây nhầm lẫn cho người dân. Thậm chí một số app hiện không còn hoạt động, không mang lại hiệu quả cao, hay lỗi, cập nhật không kịp khiến người dân bội thực và có phần lúng túng trong “ma trận app” vì không biết sử dụng cũng như hiểu thật sự công năng của từng app. Việc tích hợp các dữ liệu triển khai trong 1 ứng dụng mới sẽ khiến người dân dễ dàng sử dụng, dễ quản lý, công năng phát huy tác dụng tối đa.

Theo Quỳnh Ny tổng hợp
2.535