Pháp luật Việt Nam có cho "đẻ thuê" không? "Đẻ thuê" và "mang thai hộ" khác nhau như thế nào?

(có 239 đánh giá)

Để giải đáp thắc mắc về mang thai hộ, tránh những nhầm lẫn pháp lý về mang thai hộ và “đẻ thuê”. NLNL sẽ phân tích hai khái niệm “đẻ thuê” và “mang thai hộ” pháp luật Việt Nam.

1. Mang thai hộ là gì? Khác gì với “đẻ thuê”?

Pháp luật Việt Nam không có khái niệm về “mang thai hộ”, mà pháp luật chỉ có khái niệm về “mang thai hộ vì mục đích nhân đạo”. Việc định vị rõ khái niệm này nhằm truyền đạt ý chí của nhà làm luật, để hiểu rằng khi nhắc tới việc “mang thai hộ” thì chỉ có một mục đích duy nhất là “vì nhân đạo” chứ không vì một mục đích nào khác.

Như vậy tại Việt Nam, mang thai hộ chỉ với một mục đích duy nhất là vì nhân đạo. Còn khái niệm “đẻ thuê” là từ ngữ thường dùng ý chỉ hành vi mang thai hộ nhưng vì mục đích “thương mại”, ở đó người mang thai hộ sẽ nhận một khoản tiền hoặc một lợi ích vật chất khác từ người nhờ mang thai hộ và hành vi này là bị cấm theo pháp luật Việt Nam.

Theo Khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

2. Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là gì?

Theo quy định tại Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.

- Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:

  • Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
  • Vợ chồng đang không có con chung;
  • Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

- Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:

  • Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
  • Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
  • Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
  • Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
  • Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

- Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

3. Hành vi “đẻ thuê” bị pháp luật xử lý như thế nào?

Pháp luật hình sự Việt Nam không có quy định xử phạt đối với người trực tiếp mang thai hộ vì mục đích thương mại mà chỉ có quy định xử phạt với người tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại. Theo đó, tại Điều 187 BLHS 2015, người tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại có thể bị xử phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Tối đa mức phạt tù có thể lên đến 05 năm tù tùy theo định khung tăng nặng.

 

(có 239 đánh giá)
Trương Nguyễn Thạch
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
7.886 
Việc làm mới nhất