Những cơ hội việc làm ngành luật trong tương lai

(có 1 đánh giá)

Câu nói mà những người theo đuổi ngành luật không còn xa lại chắc hẳn là “Học Luật xong ra làm luật sư”. Nhưng sự thật có phải học luật xong chỉ có thể làm luật sư? Vậy cơ hội việc làm của ngành luật trong tương lai như thế nào? 

 

https://lh5.googleusercontent.com/RoHqOzDyFayd4fLtYiGcAjjjN4JXdz05TVhCrLRARAM0-pqG0T8n44E4dM_ed0aT0QJpvZrCavHEOC-UPyHh62yOgmZ7wmfUPCRx3L-oA4az-hOYCSbAbgn8IPoLDT0w-Ads_kk93FWIAyVT

Những cơ hội việc làm ngành luật trong tương lai. (Hình từ internet)

Trong thời kỳ kinh tế hội nhập và phát triển diễn ra mạnh mẽ, các ngành nghề mới ra đời để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Bên cạnh sự phát triển luôn tồn tại song song 2 mặt tích cực và tiêu cực, chính vì thế để thúc đẩy sự tích cực và hạn chế sự tiêu cực mà ngành luật càng phát triển và được mọi người quan tâm và theo đuổi. Để biết thêm về ngành luật và các cơ hội việc làm của ngành luật trong tương lai thì cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé!

  1. Ngành luật là gì?

Ngành luật là đơn vị cấu trúc bên trong của hệ thống pháp luật bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh một loại quan hệ xã hội có cùng tính chất, nội dung thuộc một lĩnh vực đời sống xã hội nhất định.

  1. Những cơ hội việc làm ngành luật trong tương lai

Cơ hội việc làm của ngành Luật trong tương lai vô cùng rộng mở và có nhiều triển vọng nghề nghiệp trong tương lai. Sau khi tốt nghiệp ngành Luật, sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn để có thể dễ dàng xin được những việc làm trong ngành này. Một số nghề nghiệp trong ngành Luật:

- Luật sư

Luật sư hẳn là công việc được nhiều người nghĩ đến đầu tiên khi nhắc đến ngành luật. Bởi đây là công việc tiêu biểu và thể hiện rõ đặc thù của ngành luật. Công việc của luật sư:

+ Nghiên cứu, phân tích và soạn thảo các văn bản pháp lý theo phân công.

+ Tư vấn pháp lý, đại diện pháp luật cho các cá nhân hoặc tổ chức trong giải quyết tranh chấp, tố tụng…

+ Thu thập chứng cứ cho quá trình kiện tụng. Cung cấp hồ kiện tụng cho Tòa án, Nhà nước hoặc tổ chức trọng tài.

+ Làm việc trực tiếp với khách hàng, doanh nghiệp hay các cơ quan pháp luật trong trường hợp cần thiết.

+ Đàm phán, thương lượng về các vấn đề pháp luật.

Tóm lại luật sư là người áp dụng pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho thân chủ. Đồng thời hỗ trợ, đem lại các giải pháp pháp lý cho khách hàng hoặc công ty đó.

- Thẩm phán

Thẩm phán làm việc tại tòa án, được quyền nhân danh Nhà nước để xét xử các vụ án, quyết định những hình thức xử lý thích hợp với các hành vi vi phạm pháp luật. Khi thẩm phán đã ra phán quyết, những người có liên quan phải thực hiện nghiêm túc, nếu không sẽ có cơ quan nhà nước cưỡng chế thi hành.

Để trở thành thẩm phán thì sau khi tốt nghiệp đại học ngành luật, bạn còn phải trải qua 3 bước sau:

+ Làm thư ký tòa án

+ Tham gia khóa đào tạo nghiệp vụ thẩm phán

+ Có quyết định bổ nhiệm thẩm phán của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

- Thư ký tòa án

Thư ký tòa án là công chức làm việc tại Tòa án. Nhiệm vụ là ghi chép, tổng hợp các văn bản tố tụng, quản lý hồ sơ. Thư ký tòa án còn là người hỗ trợ cho thẩm phán thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

- Kiểm sát viên:

Kiểm sát viên làm việc tại Viện Kiểm sát, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và lợi ích công cộng. Vai trò của kiểm sát viên thể hiện rõ nét nhất trong lĩnh vực tội phạm hình sự. Kiểm sát viên có quyền đưa một vụ phạm pháp ra xem xét để xử lý, ra lệnh bắt giữ, tham gia điều tra vụ án, truy tố tội phạm. Tại phiên tòa xét xử án hình sự, kiểm sát viên làm rõ các hành vi phạm tội (buộc tội) và đề xuất hình phạt thích hợp. Còn trong phiên tòa xét xử các loại án khác, kiểm sát viên có chức năng kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của mọi người, kể cả thẩm phán.

- Công chứng viên:

Công chứng viên làm việc tại các phòng công chứng, cung cấp dịch vụ công. Nhiệm vụ chủ yếu của họ là xác nhận tính hợp pháp của các giao dịch trong xã hội, xác nhận chữ ký của cá nhân, công chứng các bản sao từ nguyên gốc (bản chính), các bản dịch từ tiếng nước ngoài…

- Chấp hành viên:

Chấp hành viên làm việc tại các cơ quan thi hành án dân sự. Khi toà án đã ra phán quyết mà một hoặc nhiều bên liên quan không chịu chấp hành, chấp hành viên (bằng các hình thức mà Nhà nước cho phép) buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ của mình.

- Giảng viên ngành luật

Công việc giảng viên ngành luật phù hợp với những người yêu thích nghiên cứu pháp luật. Ngoài ra, một số trường đại học cũng cần giảng viên giảng dạy về pháp luật chung, luật chuyên ngành. Do đó, nhu cầu giảng viên ngành luật ngày một tăng, tạo ra cơ hội việc làm.

- Pháp chế doanh nghiệp

Trong nền kinh tế ngày càng phát triển, thì rủi ro pháp lý cũng càng cao. Chính vì vậy mà các Doanh nghiệp cần phòng/ban pháp chế để tư vấn, kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật, tránh những sai phạm có thể xảy ra.

Ngoài các doanh nghiệp, bạn có thể tham gia đội ngũ pháp chế trong các ngân hàng thương mại. Nhiệm vụ chính là đảm bảo những hoạt động của ngân hàng không vi phạm pháp luật. Ngoài ra, bạn phải thực hiện rà soát hợp đồng, đảm bảo hợp đồng không bị vô hiệu hóa. Bên cạnh phòng pháp chế, ngân hàng thường có các phòng/ban khác cần nhân sự ngành luật như đầu tư, thu hồi nợ, tố tụng…

- Ngoài ra còn có một số nghề khác trong lĩnh vực pháp luật như:

+ Chuyên viên pháp lý: là những người có bằng cử nhân luật, tham gia các công việc liên quan đến luật pháp tại các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức...

+ Cố vấn pháp lý: là người cố vấn cho ban lãnh đạo cơ quan về các vấn đề chính sách, pháp luật.

+ Cán bộ nghiên cứu pháp luật: nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến luật pháp, giúp những người xây dựng pháp luật có thể viết được các đạo luật hay, phù hợp; giúp những người thi hành pháp luật áp dụng các quy định pháp luật một cách linh hoạt.

+ Điều tra viên: công tác trong cơ quan công an, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để khám phá ra những tình tiết của các vụ án hình sự.

+ Thư kí toà án: là người giúp thẩm phán những công việc cần thiết trong việc xét xử các vụ án.

+ Thẩm tra viên: làm việc tại các toà án nhân dân tối cao, chuyên nghiên cứu hồ sơ các vụ án đã được xét xử, đề xuất với lãnh đạo xem xét lại các bản án của toà án cấp dưới.

+ Quản tài viên: quản tài viên là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản.

Vì vậy ngành luật không chỉ làm Luật sư, mà còn có rất nhiều cơ hội việc làm ngành luật trong tương lai.

 

(có 1 đánh giá)
Theo Nguyễn Ngọc Quế Anh
4.564