Nhãn hiệu nổi tiếng chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì có được bảo hộ theo pháp luật không?

(có 1 đánh giá)

Tiêu chí nào dùng để đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng? Nhãn hiệu nổi tiếng chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì có được bảo hộ theo pháp luật không? Nếu có thì sẽ được hưởng các quyền sở hữu công nghiệp đúng không? câu hỏi của chị Q (Đồng Nai).

Tiêu chí nào được dùng để đánh giá một nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định?

Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam (theo khoản 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022).

Dẫn chiếu đến Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 23 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định như sau:

Tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng

Việc xem xét, đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng được lựa chọn từ một số hoặc tất cả các tiêu chí sau đây:

1. Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;

2. Phạm vi lãnh thổ mà hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;

3. Doanh số từ việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;

4. Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;

5. Uy tín rộng rãi của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;

6. Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;

7. Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;

8. Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.

Như vậy, việc xem xét, đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng được lựa chọn từ một số hoặc tất cả các tiêu chí kể trên.

Nhãn hiệu nổi tiếng chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì có được bảo hộ theo pháp luật không?

Nhãn hiệu nổi tiếng chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì có được bảo hộ theo pháp luật không? (Hình từ Internet)

Nhãn hiệu nổi tiếng chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì có được bảo hộ theo pháp luật không?

Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (Được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 2 Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2019) quy định về căn cứ làm phát sinh quyền sở hữu trí tuệ như sau:

Điều 6. Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ

...

3. Quyền sở hữu công nghiệp được xác lập như sau:

a) Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.

Quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

...

Quy định này có nêu: "Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.".

Như vậy có thể hiểu, ngay cả khi nhãn hiệu nổi tiếng chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì vẫn được bảo hộ theo quy định của pháp luật.

Chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng sẽ có các quyền sở hữu công nghiệp đúng không?

Căn cứ khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 có giải thích về quyền sở hữu công nghiệp như sau:

Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Theo quy định này thì quyền sở hữu công nghiệp có bao gồm quyền của tổ chức, cá nhân đối với nhãn hiệu do mình sáng tạo hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Hay nói cách khác, chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng sẽ có các quyền sở hữu công nghiệp. Cụ thể các quyền này được đề cập tại khoản 1 Điều 123 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 46 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022):

Quyền của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp

1. Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp có các quyền tài sản sau đây:

a) Sử dụng, cho phép người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 124 và Chương X của Luật này;

b) Ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 125 của Luật này;

c) Định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Chương X của Luật này.

2. Tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng, tổ chức được trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý theo quy định tại khoản 4 Điều 121 của Luật này hoặc theo pháp luật của nước xuất xứ của chỉ dẫn địa lý có quyền ngăn cấm người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý đó theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

a) Tổ chức được trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền cho phép người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý đó theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc tổ chức được trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền ngăn cấm người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý đó theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

(có 1 đánh giá)
Theo Phạm Thị Xuân Hương
2.277