Người mù chữ có được giao kết hợp đồng hay không? Nếu được thì giao kết bằng cách nào?

(có 2 đánh giá)

Tôi muốn hỏi vấn đề này, trong trường hợp người giao kết hợp đồng mù chữ không thể ký kết hợp đồng thì họ có được ký thực hiện giao kết hợp hay không? Nếu được thì bằng cách nào? Mong giải đáp thắc mắc giúp tôi, xin cảm ơn. Anh Minh đến từ Yên Bái đặt câu hỏi.

Người mù chữ có được giao kết hợp đồng hay không?

Theo Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau:

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Ngoài ra, hợp đồng được giao kết bằng nhiều hình thức, trong đó có bằng văn bản, bằng lời nói, bằng hành vi hoặc bằng phương thức điện tử. 

Và theo Điều 400 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:

Thời điểm giao kết hợp đồng

1. Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó.

3. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.

4. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.

Trường hợp hợp đồng giao kết bằng lời nói và sau đó được xác lập bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng được xác định theo khoản 3 Điều này.

Và theo Điều 401 Bộ luật Dân sự 2015 có nêu về hiệu lực của hợp đồng:

- Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.

- Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết.

- Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.

Như vậy đối chiếu với các quy định trên thì việc ký vào hợp đồng không phải là yêu cầu bắt buộc khi các bên giao kết hợp đồng để xác định thời điểm giao kết hoặc xác định hợp đồng có hiệu lực hay không.

Chính vì vậy, người mù chữ có quyền giao kết hợp đồng.

Người mù chữ có được giao kết hợp đồng hay không?

Người mù chữ có được giao kết hợp đồng hay không? (Hình từ Internet)

Người mù chữ có thể giao kết hợp đồng bằng cách nào?

Căn cứ theo khoản 4 Điều 400 Bộ luật Dân sự 2015 có nêu thì thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.

Theo đó, người mù chữ có thể thực hiện ký vào hợp đồng bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản, ở đây ngoài chữ ký thì có thể thực hiện bằng hành vi giao kết đó là điểm chỉ hoặc lăn tay.

Dẫn chiếu đến khoản 2 Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.

Tại Điều 48 Luật Công chứng 2014 quy định việc điểm chỉ sẽ được thay thế cho việc ký trong trường hợp người yêu cầu công chứng không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký.

Và tại khoản 3 Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về trường hợp người yêu cầu chứng thực không ký được thì phải điểm chỉ.

Như vậy, người mù chữ có thể thực hiện giao kết hợp đồng với hình thức điểm chỉ thay thế cho việc ký tay.

* Lưu ý rằng: Việc này phải được các bên tham gia giao kết hợp đồng đồng ý trong văn bản.

Một số yêu cầu đối với điểm chỉ thay cho chữ ký được quy định thế nào?

Căn cứ khoản 2 Điều 48 Luật Công chứng 2014 quy định thì:

Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch sử dụng ngón trỏ phải; nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái.

Trong trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì điểm chỉ bằng ngón khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón nào, của bàn tay nào.

Bên cạnh đó nếu người yêu cầu công chứng cũng không thể điểm chỉ được thì việc công chứng phải có người làm chứng theo quy định tại khoản 2 Điều 47 Luật Công chứng 2014, khoản 3 Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP có nêu người làm chứng phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Từ đủ 18 tuổi trở lên;

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

- Không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc công chứng;

- Do người yêu cầu công chứng mời, nếu người yêu cầu công chứng không mời được thì công chứng viên chỉ định.

(có 2 đánh giá)
Theo Phạm Lan Anh
2.883