Người lao động xin nghỉ không hưởng lương cần điều kiện gì?

(có 1 đánh giá)

Tôi muốn hiểu rõ hơn về việc xin nghỉ không hưởng lương của người lao động, không biết cần những điều kiện gì, có cần được sự đồng ý của công ty hay không và nghỉ không hưởng lương có được đóng BHXH, BHYT không? - Câu hỏi từ anh Phong (Đồng Nai)

1.Các trường hợp, thời gian, điều kiện được phép nghỉ không hưởng lương

Căn cứ theo quy định tại Điều 115 Bộ Luật lao động 2019 quy định về người lao động như sau:

“Điều 115. Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương

...

2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.”

Theo đó hiện nay người lao động được nghỉ không hưởng lương trong các trường hợp sau:

(1)Khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn: được nghỉ 01 ngày. Đối với các trường hợp này người lao động không cần sự đồng ý của công ty nhưng phải thông báo với công ty biết.

(2)Các trường hợp khác tùy vào thỏa thuận của người lao động và công ty, số ngày nghỉ tùy theo thỏa thuận đó. Và trường hợp này điều kiện để được nghỉ là phải được sự đồng ý của công ty.

Người lao động xin nghỉ không hưởng lương cần điều kiện gì?

Người lao động xin nghỉ không hưởng lương cần điều kiện gì? (Hình từ Internet)

2.Công ty có quyền từ chối việc nghỉ không hưởng lương không?

Như đã quy định tại điều kiện xin nghỉ không hưởng lương nêu trên tại mục 1 thì việc từ chối của công ty như sau:

-Đối với trường hợp (1) việc nghỉ không hưởng lương này là quyền của người lao động, vì vậy miễn người lao động có thông báo với công ty, có chứng cứ chứng minh thuộc các trường hợp trên thì sẽ được nghỉ không hưởng lương mà không cần sự đồng ý của công ty, và công ty cũng không có quyền từ chối.

-Đối với trường hợp (2) là do sự thỏa thuận của người lao động và công ty, vì vậy công ty vẫn có quyền được từ chối việc xin nghỉ không hưởng lương của người lao động. Và thông thường mỗi công ty đều có quy trình xin nghỉ phép hàng năm, nghỉ không hưởng lương riêng, do đó người lao động sẽ căn cứ vào quy trình đó để thực hiện quyền xin nghỉ không hưởng lương của mình để được công ty chấp thuận.

3.Thời gian nghỉ không hưởng lương có được tính phép năm không?

Căn cứ quy định tại Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định:

“Điều 65. Thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động

...

4. Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm.”

=>> Như vậy thời gian nghỉ việc không hưởng lương vẫn được xét để tính số ngày nghỉ hàng năm nhưng chỉ được tối đa không quá 01 tháng trong năm.

4.Thời gian nghỉ không hưởng lương có phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hay không?

Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định:

“Điều 42. Quản lý đối tượng

...

5.    Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.”

=>> Theo đó nếu người lao động nghỉ không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó, thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra tại khoản 2 Điều 50 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định:

“Điều 50. Trách nhiệm của người tham gia, đơn vị, Đại lý thu

...

2. Trách nhiệm của đơn vị, Đại lý thu

a) Thực hiện lập, nộp hồ sơ; trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo đúng quy trình, quy định tại Văn bản này và quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Trường hợp đơn vị lập danh sách báo giảm chậm, đơn vị phải đóng số tiền BHYT của các tháng báo giảm chậm và thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết các tháng đó.”

Do đó đối với bảo hiểm y tế thì nếu công ty báo giảm kịp trước khi phát sinh tháng nghỉ không hưởng lương thì không cần phải đóng bảo hiểm y tế, còn nếu báo giảm sau khi đã qua tháng mới thì vẫn sẽ bị truy thu 4,5% tiền bảo hiểm y tế theo quy định trên.

(có 1 đánh giá)
Theo Trần Đăng Khoa
2.394