Người lao động có thể tự mình chốt sổ bảo hiểm xã hội được hay không?

(có 1 đánh giá)

Tôi có thắc mắc liên quan đến sổ bảo hiểm xã hội. Cụ thể, tôi dự định sẽ nghỉ việc tại công ty đang làm, cho tôi hỏi khi nghỉ việc tôi có thể đến công ty lấy sổ bảo hiểm và tự chốt sổ được không? Câu hỏi của anh N.T.H ở Đồng Nai.

Người lao động có thể tự mình chốt sổ bảo hiểm xã hội được hay không?

Theo Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau:

Trách nhiệm của người sử dụng lao động

1. Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

2. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.

3. Giới thiệu người lao động thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 45 và Điều 55 của Luật này đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.

4. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động.

5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật

...”

Theo đó, một trong những trách nhiệm của người sử dụng lao động là phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

Việc chốt sổ bảo hiểm xã hội là trách nhiệm của người sử dụng lao động nên người lao động không thể tự mình chốt sổ bảo hiểm xã hội. Trừ trường hợp doanh nghiệp phá sản và nợ tiền bảo hiểm nên không thể chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động thì lúc này người lao động có thể tự đi chốt sổ bảo hiểm xã hội.

Người lao động có thể tự mình chốt sổ bảo hiểm xã hội được hay không?

Người lao động có thể tự mình chốt sổ bảo hiểm xã hội được hay không? (Hình từ Internet)

Công ty không chốt sổ bảo hiểm xã hội thì người lao động có thể khiếu nại ở đâu?

Căn cứ Điều 118 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về khiếu nại về bảo hiểm xã hội như sau:

Khiếu nại về bảo hiểm xã hội

1. Người lao động, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và những người khác có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Người sử dụng lao động có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”

Theo quy định trên, nếu công ty không chốt sổ bảo hiểm xã hội khi chấm dứt hợp đồng lao động thì người lao động có thể liên hệ công ty và yêu cầu công ty chốt sổ bảo hiểm.

Trường hợp người lao động đã yêu cầu nhưng công ty vẫn không chốt sổ bảo hiểm xã hội thì người lao động có thể gửi đơn khiếu nại đến Phòng Lao động thương binh và xã hội nơi công ty đặt trụ sở để yêu cầu giải quyết.

Không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động thì công ty bị xử phạt bao nhiêu tiền?

Căn cứ điểm d khoản 4 Điều 41 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định khác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp như sau:

Vi phạm các quy định khác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

...

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không lập hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng; không lập hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực;

b) Không lập danh sách người lao động hoặc không lập hồ sơ hoặc không nộp hồ sơ đúng thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 102, khoản 1 Điều 103, khoản 1 Điều 110, khoản 2 Điều 112 của Luật Bảo hiểm xã hội; khoản 1 Điều 59, khoản 1 Điều 60 của Luật An toàn, vệ sinh lao động;

c) Không giới thiệu người lao động thuộc đối tượng quy định tại Điều 47 của Luật An toàn, vệ sinh lao động và Điều 55 của Luật Bảo hiểm xã hội đi khám giám định suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng Giám định y khoa;

d) Không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 21 của Luật Bảo hiểm xã hội.”

Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm nêu trên áp dụng đối với người sử dụng lao động là cá nhân vi phạm, trường hợp tổ chức như là các công ty thì mức phạt sẽ gấp đôi.

Do đó, công ty không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động, nhưng tối đa không quá 150.000.000 đồng.

(có 1 đánh giá)
Theo Trần Thị Tuyết Vân
2.449