Người bị tạm giữ để điều tra vụ án hình sự sẽ được trả tự do trong thời hạn bao nhiêu ngày nếu không đủ yếu tố cấu thành tội phạm?

(có 2 đánh giá)

Cho tôi hỏi người bị tạm giữ để điều tra vụ án hình sự sẽ được trả tự do trong thời hạn bao nhiêu ngày nếu không đủ yếu tố cấu thành tội phạm? Người bị tạm giữ sẽ có những quyền hạn gì? Câu hỏi của anh Phúc từ TP.HCM

Thực hiện biện pháp tạm giữ để điều tra vụ án hình sự đối với người bị giữ trong trường hợp nào?

Căn cứ Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về việc tạm giữ như sau:

Tạm giữ

1. Tạm giữ có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.

2. Những người có thẩm quyền ra lệnh giữ người quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật này có quyền ra quyết định tạm giữ.

Quyết định tạm giữ phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị tạm giữ, lý do tạm giữ, giờ, ngày bắt đầu và giờ, ngày hết thời hạn tạm giữ và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này. Quyết định tạm giữ phải giao cho người bị tạm giữ.

...

Theo đó, có thể áp dụng biện pháp tạm giữ đối với người bị giữ trong các trường hợp như:

- Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp;

- Người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang;

- Người phạm tội tự thú, đầu thú;

- Người bị bắt theo quyết định truy nã.

Những người có quyền ra quyết định tạm giữ. theo quy định tại khoản 2 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hính sự 2015 gồm:

(1) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;

(2) Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.

(3) Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương, Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực truộc trung ương, Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng Bộ đội biên phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng;

Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật lực lượng Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng.

Người bị tạm giữ để điều tra vụ án hình sự sẽ được trả tự do trong thời hạn bao nhiêu ngày?

Người bị tạm giữ để điều tra vụ án hình sự sẽ được trả tự do trong thời hạn bao nhiêu ngày?  (Hình từ Internet)

Người bị tạm giữ sẽ có những quyền hạn gì theo quy định pháp luật hiện nay?

Theo Điều 59 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì người bị tạm giữ sẽ có một số quyền hạn như:

(1) Được biết lý do mình bị tạm giữ; nhận quyết định tạm giữ, quyết định gia hạn tạm giữ, quyết định phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;

(2) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

(3) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;

(4) Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;

(5) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

(6) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

(7) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng về việc tạm giữ.

Người bị tạm giữ để điều tra vụ án hình sự sẽ được trả tự do trong thời hạn bao nhiêu ngày nếu không đủ yếu tố cấu thành tội phạm?

Căn cứ Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thời hạn tạm giữ như sau:

Thời hạn tạm giữ

1. Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.

2. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.

Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.

3. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ; trường hợp đã gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

4. Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam.

Theo quy định trên thì người bị tạm giữ sẽ được trả tự do nếu sau thời hạn 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ mà không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Trong một số trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.

(có 2 đánh giá)
Thành Nhân
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.491 
Việc làm mới nhất