Nếu Covid-19 là bệnh đặc hữu, người đã làm lây lan dịch trước đó có được miễn tội?

(có 2 đánh giá)

Trước đây nhiều người có hành vi làm lây lan dịch bệnh Covid-19 đã bị truy tố, xét xử nếu sau này Covid-19 được xem là bệnh đặc hữu như: cảm cúm thông thường thì nhũng người mắc tội trước đó có được miễn tội là vấn đề khá hay và được nhiều người quan tâm.

Từ ngày 23/01/2020 (thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc ca bệnh viêm đường hô cấp do chủng mới của virus Corona gây ra) dịch bệnh Covid-19 được xác định là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu theo Quyết định số 447/QĐ-TTg "Về việc công bố dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ".

Đến ngày 30/3/2020, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành hướng dẫn số 45/TANDTC-PC "V/v xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19". Theo đó Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh

Kể từ đó cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố xét xử nhiều người có hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm. Việc điều tra, truy tố xét xử hành vi làm lây lan dịch bệnh Covid -19 đã góp phần ngăn chặn sự gia tăng phức tạp của dịch bệnh Covid-19, đóng góp quan trọng vào thành công của công tác phòng chống dịch.

Tuy nhiên đến thời điểm tháng 3/2022, với việc tiêm chủng đạt tỷ lệ cao, số ca lây nhiễm lên đến hơn 100 nghìn ca/ngày nhưng tỷ lệ tử vong thấp. Bộ Y tế vừa có báo cáo liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, trong đó có một số nội dung liên quan đến việc coi Covid-19 là bệnh lưu hành (bệnh đặc hữu/bệnh thông thường).

Kết luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022 ngày 3/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao cho Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước virus SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Coi Covid là bệnh đặc hữu, hành vi làm lây lan bệnh sẽ không còn bị coi là nguy hiểm cho xã hội?

Như vậy bệnh Covid-19 trong tương lai rất gần sẽ dần trở thành bệnh thông thường như cảm cúm, không còn yếu tố dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người trong dấu hiệu thuộc về khách thể của cấu thành của Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo điều 240 Bộ luật hình sự. Điều này đồng nghĩa với việc hành vi làm lây lan bệnh Covid-19 sẽ không còn là hành vi nguy hiểm cho xã hội nữa.

Với chính sách nhân đạo, quan điểm hạn chế thấp nhất việc xử lý bằng biện pháp hình sự với người phạm tội, Bộ Luật hình sự đã xây dựng chế định Miễn trách nhiệm hình sự. Điều 29 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định căn cứ miễn trách nhiệm hình sự như sau: "1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây: a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa".

Tính tới thời điểm hiện nay, thaasmg 3/2022 chủ trương, chính sách chống dịch Covid- 19 của Bộ Y tế, Chính phủ đã có nhiều thay đổi theo hướng xem xét không coi đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, xác định chỉ là bệnh đặc hữu thông thường, không thực hiện việc cách ly tập trung người bệnh, không giãn cách xã hội.

"Đây chính là yếu tố "do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa" mà cơ quan tiến hành tố tụng vận dụng để xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho những người đã và đang bị điều tra, truy tố, xét xử về hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm trong giai đoạn hiện nay", luật sư Lực chia sẻ.

Miễn trách nhiệm hình sự sẽ dẫn tới hệ quả pháp lý người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không phải chịu hình phạt, không bị coi là có tội, không bị coi là có án tích. Miễn trách nhiệm hình sự được áp dụng với tất cả các giai đoạn tố tụng và cả khi đang thi hành án. Được miễn trách nhiệm hình sự có giá trị vô cùng lớn lao với bản thân người phạm tội cũng như gia đình họ.

Tuy nhiên, việc "coi Covid-19 là bệnh đặc hữu" mới chỉ là hướng xem xét trong tương lai. Ở thời điểm hiện tại, theo lãnh đạo Bộ Y tế, dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ đại dịch sang giai đoạn "bệnh đặc hữu", chúng ta cần tiếp tục theo dõi tình hình dịch cũng như cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có coi đây là "bệnh lưu hành" khi thời điểm thích hợp.

(có 2 đánh giá)
Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.505 
Việc làm mới nhất