Một số dấu hiệu nhận biết lừa đảo tuyển dụng thường gặp

(có 2 đánh giá)

Hiện nay, các vụ lừa đảo tuyển dụng xảy ra rất nhiều. Vậy làm sao để nhận biết các thông tin lừa đảo tuyển dụng? (Mai Anh - TP. HCM)

1. Thông tin đối tượng lừa đảo tuyển dụng

Nhiều đối tượng lừa đảo chọn cách mạo danh, đại diện cho các sàn thương mại điện tử hoặc một số nhãn hiệu nổi tiếng trên thị trường với logo, số điện thoại, địa chỉ được sao chép gần như y hệt, khiến cho nạn nhân tin rằng đây là những thông tin tuyển dụng chính thống.

Các “nhà tuyển dụng” lừa đảo này thường sử dụng tài khoản cá nhân để đăng tin tuyển dụng, và liên lạc bằng số điện thoại cá nhân.

Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp các đối tượng lừa đảo tuyển dụng còn cung cấp các thông tin như tên công ty, địa chỉ công ty, website công ty, … không chính xác, không tồn tại.

2. Hình thức đăng tin lừa đảo tuyển dụng

Các đối tượng lừa đảo đăng tin tuyển dụng được đăng tải nhiều lần, đăng tải tại nhiều nơi như các nhóm tìm việc làm trên Facebook, Zalo hoặc đăng đi đăng lại tin tuyển dụng cũ.

3. Nội dung, phương thức lừa đảo tuyển dụng

Thông tin tuyển dụng thường sẽ là một vài dòng ngắn gọn như: “tuyển cộng tác viên cho Shopee, Tiki, Lazada, Sendo”; “tuyển cộng tác viên tạo tương tác cho dự án hợp tác giữa Shopee với các chủ gian hàng”, “Làm việc tại nhà với mức lương lên đến 500-700k/ngày”; “kiếm 10-20 triệu đồng/tuần không hề khó”; “Tuyển nhân viên kinh doanh…”, “Tuyển gấp nhân viên bán hàng…”, … và kèm theo một số điện thoại liên hệ, đi kèm với mức lương hấp dẫn.

Bên cạnh đó, nội dung tuyển dụng thường đề cập đến thời hạn ứng tuyển ngắn, đưa ra số lượng cần tuyển giới hạn với lời chào mời hấp dẫn như "cần gấp", "đi làm ngay", "việc nhẹ nhàng", "nhận việc nhanh", "không cần nhập hàng", "không cần vốn", "không cần kinh nghiệm", "được đào tạo miễn phí", … khiến nhiều người đang cần việc làm bị hối thúc phải nộp hồ sơ, gửi thông tin liên hệ ngay lập tức để giữ vị trí.

4. Mô tả công việc đơn giản

Nội dung mô tả công việc rất đơn giản, không rõ ràng, thường là làm cộng tác viên bán hàng, chốt đơn online, nhập liệu, xem video clip, làm khảo sát, … với quảng cáo chỉ cần có thời gian rảnh 2-3 tiếng/ngày, có điện thoại thông minh/máy tính và tài khoản ngân hàng, làm việc tại nhà, kiếm tiền nhanh chóng, không cọc, không vốn, không ôm hàng, …

Các chiêu trò lừa đảo này thường đánh vào tâm lý của nhiều người thích công việc làm online, làm việc tại nhà, người thích tìm đến những kênh giải trí trên mạng xã hội, đặc biệt là YouTube, TikTok, ...

Một số dấu hiệu nhận biết hành vi lừa đảo tuyển dụng (Hình từ internet)

5. Mức lương đề xuất hấp dẫn

Đi kèm với nội dung tuyển dụng như trên là một mức lương hoặc hoa hồng được quảng cáo thường rất cao, dựa trên doanh số làm, số lượng đơn hàng được chốt,...

Điệp khúc “việc nhẹ lương cao” chính là chiêu thức giúp các đối tượng lừa đảo thu hút con mồi. Mức lương nhận được có thể lên đến vài chục triệu trong một tháng hoặc một mức hoa hồng cho mỗi đơn hàng rất cao.

6. Yêu cầu đóng phí để nhận việc

Sau khi được phỏng vấn, các đối tượng sẽ yêu cầu nộp một khoản phí nào đó như phí đào tạo, phí thu hồ sơ, phí giữ chỗ hay phí đặt cọc, tiền đồng phục,… để được làm nhân viên chính thức của công ty và hứa sẽ hoàn lại sau khi làm việc được một khoản thời gian hay khi kết thúc hợp đồng.

Các đối tượng lừa đảo thường yêu cầu nạn nhân đóng các khoản phí, khoản đặt cọc, thanh toán tiền đơn đặt hàng,… vào một hoặc nhiều tài khoản cá nhân khác nhau thay vì là tài khoản của tổ chức.

Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền hoặc khi phát hiện bị lộ các “nhà tuyển dụng” lập tức khóa các thông tin liên lạc và biến mất; hoặc có trường hợp là yêu cầu nạn nhân làm một công việc khác với giới thiệu ban đầu, với mức lương rất thấp.

7. Địa điểm, cách thức phỏng vấn

Trong quá trình phỏng vấn, các đối tượng lừa đảo tuyển dụng thường không đi sâu vào yêu cầu công việc, mà đưa ra những lời chào mời hấp dẫn về mức lương, thu nhập,… với mục đích làm cho nạn nhân tin tưởng, đồng ý nhận việc, và đóng các khoản phí mà các đối tượng mong muốn.

Các đối tượng lừa đảo thường yêu cầu phỏng vấn tại một địa điểm không rõ ràng, không phải địa chỉ công ty, mà thường là các quán cafe, quán ăn,… hoặc là phỏng vấn qua tin nhắn, điện thoại. Sau khi phỏng vấn, đóng phí xong, một số đối tượng còn không yêu cầu nạn nhân đi làm việc ngay mà thường bảo là sang tuần, rồi lại hứa hẹn, sau đó không thể liên lạc được nữa.

(có 2 đánh giá)
Theo Văn Trọng
3.279