Mỗi ca làm việc kéo dài tối đa bao nhiêu tiếng?

(có 1 đánh giá)

Theo quy định hiện hành thì mỗi ca làm việc sẽ kéo dài tối đa bao nhiêu tiếng? Người lao động sẽ được nghỉ giải lao bao nhiêu phút trong quá trình làm việc? câu hỏi của anh N.H.M.K đến từ Hồ Chí Minh.

Ca làm việc là gì?

Theo khoản 1 Điều 63 Nghị định 145/2020/NĐ-CP giải thích về ca làm việc như sau:

Ca làm việc và tổ chức làm việc theo ca

1. Ca làm việc là khoảng thời gian làm việc của người lao động từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ cho đến khi kết thúc và bàn giao nhiệm vụ cho người khác, bao gồm cả thời gian làm việc và thời gian nghỉ giữa giờ.

...

Theo đó, ca làm việc được hiểu là khoảng thời gian làm việc của người lao động từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ cho đến khi kết thúc và bàn giao nhiệm vụ cho người khác, bao gồm cả thời gian làm việc và thời gian nghỉ giữa giờ.

Mỗi ca làm việc kéo dài tối đa bao nhiêu tiếng?

Mỗi ca làm việc kéo dài tối đa bao nhiêu tiếng? (Hình từ Internet)

Mỗi ca làm việc kéo dài tối đa bao nhiêu tiếng?

Theo khoản 2 Điều 63 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về ca làm việc như sau:

Ca làm việc và tổ chức làm việc theo ca

...

2. Tổ chức làm việc theo ca là việc bố trí ít nhất 02 người hoặc 02 nhóm người thay phiên nhau làm việc trên cùng một vị trí làm việc, tính trong thời gian 01 ngày (24 giờ liên tục).

3. Trường hợp làm việc theo ca liên tục để được tính nghỉ giữa giờ vào giờ làm việc quy định tại khoản 1 Điều 109 của Bộ luật Lao động là trường hợp tổ chức làm việc theo ca quy định tại khoản 2 Điều này khi ca làm việc đó có đủ các điều kiện sau:

a) Người lao động làm việc trong ca từ 06 giờ trở lên;

b) Thời gian chuyển tiếp giữa hai ca làm việc liền kề không quá 45 phút.

Đồng thời tại Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

Thời giờ làm việc bình thường

1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, theo Điều 60 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định như sau:

Giới hạn số giờ làm thêm

1. Tổng số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày làm việc bình thường, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.

2. Trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày.

3. Trường hợp làm việc không trọn thời gian quy định tại Điều 32 của Bộ luật Lao động thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày.

4. Tổng số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày, khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần.

5. Thời giờ quy định tại các khoản 1 Điều 58 Nghị định này được giảm trừ khi tính tổng số giờ làm thêm trong tháng, trong năm để xác định việc tuân thủ quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 107 của Bộ luật Lao động.

Theo đó, tính cả thời gian làm thêm thì người sử dụng lao động chỉ được yêu cầu người lao động làm việc tối đa 12 giờ/ngày cho mỗi ca làm việc và phải đảm bảo thời gian làm thêm không quá 40 giờ trong 01 tháng, đồng thời phải trả thêm tiền lương làm thêm giờ cho người lao động.

Như vậy, khi xếp ca làm việc cho người lao động, người sử dụng lao động cần lưu ý nếu sắp xếp ca làm việc 12 tiếng/ngày thì chỉ được bố trí tối đa 10 ngày/tháng (chế độ làm việc theo ngày) và tối đa 12 giờ/ngày trong tối đa 20 ngày/tháng (chế độ làm việc theo tuần).

Lưu ý: Tổng số giờ làm thêm của người lao động không được phép vượt quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số ngành nghề nêu tại khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 thì tối đa 300 giờ trong 1 năm.

Người lao động được nghỉ giải lao bao nhiêu phút?

Tại Điều 109 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

Nghỉ trong giờ làm việc

1. Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật này từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.

Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.

2. Ngoài thời gian nghỉ quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động.

Bên cạnh đó tại Điều 64 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định như sau:

Nghỉ trong giờ làm việc

1. Thời gian nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục theo quy định tại khoản 1 Điều 109 của Bộ luật Lao động được áp dụng đối với người lao động làm việc từ 06 giờ trở lên trong một ngày, trong đó có ít nhất 03 giờ làm việc trong khung giờ làm việc ban đêm quy định tại Điều 106 của Bộ luật Lao động.

2. Thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc đối với trường hợp làm việc theo ca liên tục quy định tại khoản 3 Điều 63 Nghị định này ít nhất 30 phút, riêng trường hợp làm việc ban đêm thì được tính ít nhất 45 phút.

3. Người sử dụng lao động quyết định thời điểm nghỉ trong giờ làm việc, nhưng không được bố trí thời gian nghỉ này vào thời điểm bắt đầu hoặc kết thúc ca làm việc.

4. Ngoài trường hợp làm việc theo ca liên tục quy định tại khoản 3 Điều 63 Nghị định này, khuyến khích các bên thương lượng thời gian nghỉ giữa giờ tính vào giờ làm việc.

Theo đó, người lao động làm việc theo thời giờ làm việc bình thường từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.

Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.

Người sử dụng lao động quyết định thời điểm nghỉ trong giờ làm việc, nhưng không được bố trí thời gian nghỉ này vào thời điểm bắt đầu hoặc kết thúc ca làm việc.

(có 1 đánh giá)
Theo Phạm Thị Xuân Hương
4.060