Mẫu hợp đồng thuê phòng trọ năm 2023 là mẫu nào?

(có 2 đánh giá)

Cho tôi hỏi: Hợp đồng thuê phòng trọ có bắt buộc phải lập thành văn bản không? Mẫu hợp đồng thuê phòng trọ năm 2023 là mẫu nào? Trường hợp một trong hai bên vi phạm điều khoản trong hợp đồng thuê phòng trọ thì phải bồi thường những gì? câu hỏi của chị My (Hà Nội).

Hợp đồng thuê phòng trọ có bắt buộc phải lập thành văn bản không?

Tại Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015 giải thích về hợp đồng như sau:

Khái niệm hợp đồng

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Theo đó, hợp đồng thuê phòng trọ được hiểu là sự thỏa thuận giữa bên thuê và bên cho thuê để sử dụng trong một thời hạn, trong đó bên thuê nhà phải trả tiền thuê nhà trừ trường hợp có quy định điều kiện khác.

Dẫn chiếu đến Điều 121 Luật Nhà ở 2014 quy định về hợp đồng thuê nhà (hợp đồng thuê phòng trọ) như sau:

Hợp đồng về nhà ở

Hợp đồng về nhà ở do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản bao gồm các nội dung sau đây:

1. Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên;

2. Mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó. Đối với hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua căn hộ chung cư thì các bên phải ghi rõ phần sở hữu chung, sử dụng chung; diện tích sử dụng thuộc quyền sở hữu riêng; diện tích sàn xây dựng căn hộ; mục đích sử dụng của phần sở hữu chung, sử dụng chung trong nhà chung cư theo đúng mục đích thiết kế đã được phê duyệt ban đầu;

3. Giá trị góp vốn, giá giao dịch nhà ở nếu hợp đồng có thỏa thuận về giá; trường hợp mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở mà Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó;

4. Thời hạn và phương thức thanh toán tiền nếu là trường hợp mua bán, cho thuê, cho thuê mua, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở;

5. Thời gian giao nhận nhà ở; thời gian bảo hành nhà ở nếu là mua, thuê mua nhà ở được đầu tư xây dựng mới; thời hạn cho thuê, cho thuê mua, thế chấp, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; thời hạn góp vốn;

6. Quyền và nghĩa vụ của các bên;

7. Cam kết của các bên;

8. Các thỏa thuận khác;

9. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;

10. Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng;

11. Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký.

Theo đó, hợp đồng thuê phòng trọ là sự thỏa thuận giữa các bên và bắt buộc phải lập thành văn bản.

Mẫu hợp đồng thuê phòng trọ năm 2023 là mẫu nào?

Mẫu hợp đồng thuê phòng trọ năm 2023 là mẫu nào? (Hình từ Internet)

Mẫu hợp đồng thuê phòng trọ mới nhất năm 2023 là mẫu nào?

Hiện nay pháp luật không có hướng dẫn về mẫu hợp đồng thuê phòng trọ. Tuy nhiên, khi giao kết hợp đồng thuê phòng trọ cần lưu ý phải có đầy đủ 11 nội dung được nêu tại Điều 121 Luật Nhà ở 2014.

Dưới đây là hợp đồng thuê phòng trọ (chỉ mang tính chất tham khảo):

https://lh3.googleusercontent.com/9yC5d0-X0DrdU5Pq_c-YHAfPAcPQkB_kjEQ7g8-w0z46PO_6pRYZNvka3L_8nBecBMFKn9dVllQy58QULNfTfpYFYV0lOsi3eBC87St6kwl-7Mp4SJ25HevmDG8LL-ByUaejMwIreLkmrgtQ

Tải mẫu hợp đồng thuê phòng trọ năm 2023 tại đây: Tải về

Trường hợp một trong hai bên vi phạm điều khoản trong hợp đồng thuê phòng trọ thì phải bồi thường những gì?

Tại Điều 419 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng như sau:

Thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng

1. Thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều này, Điều 13 và Điều 360 của Bộ luật này.

2. Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.

3. Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc.

Dẫn chiếu đến Điều 13 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 361 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

Điều 13. Bồi thường thiệt hại

Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Điều 361. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ

1. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.

2. Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

3. Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể.

Như vậy, trong giao kết hợp đồng thuê phòng trọ, quyền lợi của bên nào bị xâm phạm thì bên đó được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Cũng theo quy định này thì thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ được phân loại gồm thiệt hại về vật chất và tinh thần.

Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.

Tóm lại, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cụ thể ra sao sẽ do các bên tự thỏa thuận, trường hợp các bên không có thỏa thuận thì căn cứ vào quy định của pháp luật để xử lý.

 

(có 2 đánh giá)
Theo Phạm Thị Xuân Hương
2.946