Mất xe tại nơi làm việc có được doanh nghiệp bồi thường không? Nếu có thì mức bồi thường được quy định như thế nào?

(có 1 đánh giá)

Cho tôi hỏi, bị mất xe tại nơi làm việc thì có được doanh nghiệp bồi thường thiệt hại không nếu nhân viên có đăng ký gửi xe theo tháng với doanh nghiệp. Nếu có thì mức bồi thường được quy định như thế nào? (Thiện Duyên - Tp. Hồ Chí Minh)

Nhân viên và doanh nghiệp có thỏa thuận giữ xe bằng vé giữ xe có xem là hợp đồng gửi giữ tài sản không?

Căn cứ theo Điều 554 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng gửi giữ tài sản như sau:

“Hợp đồng gửi giữ tài sản

Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.”

Tại Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hình thức giao dịch dân sự như sau:

“Hình thức giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.”

Do đó, trong trường hợp doanh nghiệp có vé gửi xe hoặc có nhân viên bảo vệ hướng dẫn đỗ xe, phát vé xe để gửi, trông xe cho nhân viên thì có thể coi nhân viên và doanh nghiệp đã thực hiện việc giao kết hợp đồng gửi giữ tài sản bằng hành vi cụ thể như gửi, trông, giữ xe hoặc có thể bằng lời nói.

Mất xe tại nơi làm việc có được doanh nghiệp bồi thường? (Hình từ internet)

Mất xe tại nơi làm việc có được doanh nghiệp bồi thường khi có thỏa thuận giữ xe bằng vé giữ xe không?

Theo quy định tại Điều 557 Bộ luật Dân sự 2015 về nghĩa vụ của bên giữ tài sản như sau:

“Nghĩa vụ của bên giữ tài sản

1. Bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ.

2. Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó, nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi.

3. Thông báo kịp thời cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí.

4. Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.”

Căn cứ theo Điều 360 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ. Theo đó, trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Như vậy, trường hợp nhân viên bị mất xe tại nơi làm việc, mà nơi làm việc có bảo vệ trông, giữ xe thì doanh nghiệp phải bồi thường theo đúng quy định của pháp luật.

Mức bồi thường thiệt hại khi mất xe tại nơi làm việc được xác định như thế nào?

Căn cứ theo Điều 419 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

“Thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng

1. Thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều này, Điều 13 và Điều 360 của Bộ luật này.

2. Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.

3. Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc.”

Căn cứ theo Điều 13 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thì cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Cũng tại Điều 360 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

“Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ

Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”

Theo đó, để xác định mức bồi thường, các bên có thể thoả thuận hoặc sử dụng các biện pháp khác để xác định thiệt hại như:

- Thuê tổ chức thẩm định giá.

- Tham khảo giá mua bán xe cùng loại, cùng thương hiệu hoặc cùng thời gian sử dụng ở các cửa hàng bán xe.

- Tính giá trị xe căn cứ theo cách tính lệ phí trước bạ với xe cũ. Theo đó, căn cứ khoản 3 Điều 3 Thông tư 13/2022/TT-BTC, giá tính lệ phí trước bạ là giá trị còn lại tính theo thời gian sử dụng của tài sản.

Giá trị còn lại của tài sản = giá trị tài sản mới nhân với (x) tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của tài sản.

Trong đó:

Tỷ lệ chất lượng còn lại được tính theo bảng sau:

Thời gian đã sử dụngTỷ lệ (%) chất lượng còn lại của tài sản trước bạ 
Tài sản mới100%
Trong 1 năm90%
Từ trên 1 đến 3 năm70%
Từ trên 3 đến 6 năm50%
Từ trên 6 đến 10 năm30%
Trên 10 năm20%

Thời gian sử dụng của tài sản được tính từ năm sản xuất đến năm kê khai lệ phí trước bạ. Trường hợp không xác định được năm sản xuất thì thời gian sử dụng của tài sản được tính từ năm bắt đầu đưa tài sản vào sử dụng đến năm kê khai lệ phí trước bạ.

(có 1 đánh giá)
Theo Mai Hoàng Trúc Linh
2.556