Luật sư sao chụp tài liệu vụ án hình sự có thể phải trả 1.500 đồng/trang A4?

(có 1 đánh giá)

 Theo thông tin tôi được biết, dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng đề cập về việc nộp phí sao chụp tài liệu, trong đó có nêu trường hợp luật sư sao chụp tài liệu vụ án hình sự phải trả 1.500 đồng/trang A4? Điều này có đúng không? câu hỏi của chị H (Khánh Hòa).

Người bào chữa trong vụ án hình sự bao gồm những ai?

Người bào chữa trong vụ án hình sự được quy định tại Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:

Người bào chữa

1. Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.

2. Người bào chữa có thể là:

a) Luật sư;

b) Người đại diện của người bị buộc tội;

c) Bào chữa viên nhân dân;

d) Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

...

Theo đó, người bào chữa trong vụ án hình sự bao gồm những người sau:

- Luật sư;

- Người đại diện của người bị buộc tội;

- Bào chữa viên nhân dân;

- Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Luật sư sao chụp tài liệu vụ án hình sự có thể phải trả 1.500 đồng/trang A4?

Luật sư sao chụp tài liệu vụ án hình sự có thể phải trả 1.500 đồng/trang A4? (Hình từ Internet)

Luật sư sao chụp tài liệu vụ án hình sự có thể phải trả 1.500 đồng/trang A4?

Theo Mục 2 Chương II Dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng có đề cập về chi phí sao chụp tài liệu trong vụ án hình sự như sau:

(1) Chi phí sao chụp tài liệu để thực hiện quyền của bị can được đọc, ghi chép bản sao tài liệu

- Trong tố tụng hình sự, trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải sao chụp tài liệu cung cấp cho bị can để đảm bảo thực hiện quyền của bị can được đọc, ghi chép bản sao tài liệu liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội quy định tại điểm i khoản 2 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự thì chi phí sao chụp tài liệu là 1.500 đồng/trang A4.

- Nhà nước bảo đảm kinh phí đối với chi phí sao chụp tài liệu liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội mà cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện để cung cấp cho bị can. Chi phí này được lấy từ kinh phí chi đặc thù hằng năm của cơ quan tiến hành tố tụng.

(2) Chi phí sao chụp tài liệu trong trường hợp bị can, người bào chữa yêu cầu sao chụp

Trong vụ án hình sự, trường hợp bị can, người bào chữa yêu cầu sao chụp tài liệu thì bị can, người bào chữa phải chịu chi phí sao chụp tài liệu là 1.500 đồng/trang A4.

(3) Chi phí sao chụp hồ sơ trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

- Chi phí sao chụp hồ sơ, tài liệu phát sinh trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính do Nhà nước bảo đảm. Chi phí này được lấy từ kinh phí chi đặc thù hằng năm của Tòa án nhân dân.

(4) Chi phí sao chụp tài liệu liên quan đến việc cơ quan tiến hành tố tụng gửi các văn bản tố tụng cho người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan

Chi phí sao chụp tài liệu liên quan đến việc cơ quan tiến hành tố tụng gửi các văn bản tố tụng cho người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định tại Chương X Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, Chương VII Luật Tố tụng hành chính hiện hành, Điều 142 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành do Nhà nước đảm bảo. Chi phí này được lấy từ kinh phí chi đặc thù hằng năm của cơ quan tiến hành tố tụng.

Theo quy định này, bị can hoặc người bào chữa, bao gồm cả Luật sư nếu có nhu cầu sao chụp tài liệu vụ án hình sự có thể phải trả 1.500 đồng/trang A4.

Luật sư khi tham gia bào chữa trong vụ án hình sự có các quyền gì?

Luật sư khi tham gia bào chữa trong vụ án hình sự có các quyền quy định tại Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cụ thể như sau:

Quyền và nghĩa vụ của người bào chữa

1. Người bào chữa có quyền:

a) Gặp, hỏi người bị buộc tội;

b) Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can;

c) Có mặt trong hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này;

d) Được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này;

đ) Xem biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình, quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa;

e) Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế;

g) Đề nghị tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này; đề nghị triệu tập người làm chứng, người tham gia tố tụng khác, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

h) Thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

i) Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

k) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản;

l) Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra;

m) Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa;

n) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

o) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất theo quy định của Bộ luật này.

...

Như vậy, luật sư khi tham gia bào chữa trong vụ án hình sự có các quyền trên.

(có 1 đánh giá)
Theo Phạm Thị Xuân Hương
2.473