Luật hành chính là gì? Các lĩnh vực áp dụng của luật hành chính?

(có 1 đánh giá)

Luật hành chính là gì? Nguồn của Luật hành chính là gì? Các lĩnh vực áp dụng của luật hành chính?

Khái niệm luật hành chính là gì?

Thuật ngữ "Luật hành chính" chúng ta có thể hiểu theo ba nghĩa: ngành Luật hành chính, khoa học Luật hành chính và môn học Luật hành chính. Theo đó, về cơ bản, từng nghĩa được định nghĩa như sau:

Luật hành chính là một nhánh quan trọng của hệ thống pháp luật, điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tổ chức và thực hiện quyền hành pháp nhà nước, cụ thể là điều chỉnh những quan hệ xã hội mang tính chất chấp hành và điều hành phát sinh trong lĩnh vực tổ chức và hoạt động hành chính nhà nước.

Đối tượng điều chỉnh: Luật hành chính điều chỉnh các quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với cá nhân, tổ chức trong quá trình quản lý hành chính.

Phạm vi: Bao gồm các quy định về tổ chức, hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, quyền và nghĩa vụ của công chức, viên chức, quy trình giải quyết thủ tục hành chính, xử lý vi phạm hành chính.

Khoa học Luật hành chính là một khoa học pháp lí chuyên ngành. Đối tượng nghiên cứu của Khoa học Luật hành chính là hoạt động quản lý hành chính nhà nước; những quan hệ hình thành trong quá trình quản lý hành chính nhà nước; hệ thống quy phạm pháp luật hành chính.

Môn học Luật hành chính là môn học được xây dựng trên cơ sở khoa học Luật hành chính với chương trình học khác nhau đối với từng cơ sở đào tạo luật.

Nguồn của Luật hành chính là gì?

Nguồn của Luật Hành chính là những văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo thủ tục và hình thức nhất định, có nội dung là các quy phạm pháp luật hành chính, có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với các đối tượng có liên quan và được bảo đảm thực hiện bằng cưỡng chế nhà nước.

Nguồn của Luật Hành chính bao gồm:

- Văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan quyền lực nhà nước.

- Văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước

- Văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước

- Văn bản quy phạm pháp luật của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao

- Văn bản quy phạm pháp luật của Tổng kiểm toán nhà nước

- Văn bản quy phạm pháp luật luật liên tịch.

Luật hành chính là gì? Các lĩnh vực áp dụng của luật hành chính?

Luật hành chính là gì? Các lĩnh vực áp dụng của Luật hành chính? (Hình từ Internet)

Các lĩnh vực áp dụng của luật hành chính?

Luật hành chính có phạm vi áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Một số lĩnh vực chính bao gồm:

- Quản lý nhà nước: Điều chỉnh hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

- Dịch vụ công: Quy định về cung cấp dịch vụ công cho người dân.

- An ninh, trật tự công cộng: Bao gồm các quy định về trật tự an toàn xã hội.

- Quy hoạch và xây dựng: Quản lý việc quy hoạch đô thị, cấp phép xây dựng.

- Môi trường: Quy định về bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm.

- Giáo dục và đào tạo: Quản lý hoạt động giáo dục, cấp phép thành lập trường học.

- Y tế: Quản lý hoạt động khám chữa bệnh, cấp phép hành nghề y.

- Kinh tế: Quy định về cấp giấy phép kinh doanh, quản lý thị trường.

- Giao thông vận tải: Quản lý an toàn giao thông, cấp bằng lái xe.

- Văn hóa, thể thao, du lịch: Quản lý các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

- Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;

- Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;

- Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;

- Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.

+ Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.

+ Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.

+ Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng;”,

- Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;

- Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

(có 1 đánh giá)
Nguyễn Thị Thanh Xuân
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
3.239 
Việc làm mới nhất