Làm Chuyên viên Pháp chế Doanh nghiệp là như thế nào?

(có 2 đánh giá)

Hiện nay, Chuyên viên pháp chế doanh nghiệp là một công việc được cho là hấp dẫn với nhiều cơ hội làm việc và mức thu nhập tương đối ổn định. Vậy làm Chuyên viên pháp chế doanh nghiệp là như thế nào?

1. Làm Chuyên viên Pháp chế Doanh nghiệp là như thế nào?

Chuyên viên pháp chế doanh nghiệp được biết đến là những người được đào tạo chuyên môn về pháp lý ở một số lĩnh vực pháp lý nhất định, chịu trách nhiệm về các công việc hành chính, điều hành pháp lý trong bộ phận pháp chế của doanh nghiệp.

Họ là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp, có vai trò xử lý, hoàn thiện các giấy tờ, thủ tục có liên quan đến vấn đề pháp lý.

Hiểu một cách đơn giản thì chuyên viên pháp lý doanh nghiệp là người hỗ trợ, xử lý các vấn đề có liên quan đến pháp luật của doanh nghiệp theo đúng quy định. Đảm bảo sự phát triển ổn định, mạnh mẽ, thuận lợi, tránh các trường hợp kiện tụng trong quá trình hoạt động, hợp tác.

2. Công việc của Chuyên viên pháp chế doanh nghiệp 

Công việc của chuyên viên pháp chế doanh nghiệp không có khuôn mẫu chung, mỗi doanh nghiệp sẽ có những khác biệt nhất định, tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp, ngành, nghề kinh doanh, quy mô hoạt động… của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có thể tham khảo những công việc của chuyên viên pháp chế doanh nghiệp như sau: 

(1) Phụ trách và chịu trách nhiệm về mọi vấn đề pháp lý của doanh nghiệp

Chuyên viên pháp chế doanh nghiệp thay mặt cho chủ doanh nghiệp tham gia giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người lao động; tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện pháp lý theo ủy quyền của chủ doanh nghiệp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp và người lao động.

Đồng thời, họ cũng là người chịu trách nhiệm về việc kiểm tra tính pháp lý, mức độ hợp pháp của mọi giao dịch kinh doanh trong doanh nghiệp. Chuẩn bị các hồ sơ pháp lý, thủ tục  pháp lý của doanh nghiệp,...

(2) Xây dựng, kiểm tra và quản lý hệ thống chính sách của doanh nghiệp

Chuyên viên pháp chế sẽ phối hợp với người quản lý doanh nghiệp để xây dựng các chính sách quản lý nội bộ cũng như giám sát việc triển khai, thực hiện chính sách của các thành viên trong doanh nghiệp, xây dựng chiến lược phòng vệ có giá trị.

Đảm nhận vai trò kiểm tra hệ thống các chính sách nội bộ để đảm bảo rằng các chính sách hiện đang được ban hành và thực hiện trong doanh nghiệp là hoàn toàn phù hợp với quy định trong pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo doanh nghiệp trong việc xây dựng, bổ sung, sửa đổi điều lệ doanh nghiệp, xây dựng và ban hành nội dung, quy chế của doanh nghiệp, kiến nghị với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

(3) Quản trị rủi ro cho doanh nghiệp

Chuyên viên pháp chế doanh nghiệp cần tiến hành nghiên cứu, đánh giá những yếu tố rủi ro có thể xảy ra, gây ảnh hưởng đến các quyết định, hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Áp dụng những phương pháp quản trị rủi ro phù hợp để đưa ra khuyến nghị về các vấn đề pháp lý có thể xảy ra. Thông qua đó, đề xuất ra những biện pháp phòng ngừa, khắc phục hiệu quả.

(4) Soạn thảo hợp đồng, tài liệu pháp lý của doanh nghiệp

Chuyên viên pháp chế sẽ tham gia vào việc soạn thảo các tài liệu, văn bản pháp lý và các hợp đồng, thỏa thuận để đảm bảo những quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp. Cùng với đó là chịu trách nhiệm kiểm tra tính hợp pháp, hợp lý của các văn bản, hợp đồng pháp lý mà đơn vị ban hành, ký kết, tính hợp pháp của những giao dịch mà doanh nghiệp thực hiện.

Chịu trách nhiệm chuẩn bị những hồ sơ pháp lý cần thiết của doanh nghiệp. Thực hiện kiểm tra, bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện các tài liệu, văn bản giao dịch, các hồ sơ pháp lý nhằm đảm bảo mọi hoạt động đều đang được thực hiện theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp cùng các quy định pháp luật khác có liên quan do Nhà nước ban hành.

(5) Nghiên cứu những quy định pháp lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp

Đảm nhận vai trò nghiên cứu các thông tư, nghị định, luật,... liên quan đến lĩnh vực mà đơn vị đang hoạt động. Đồng thời giải thích các từ ngữ pháp lý cho mọi thành viên trong doanh nghiệp sao cho đảm bảo mọi quy trình hoạt động, thủ tục của doanh nghiệp đều hợp pháp.

Ngoài ra, chuyên viên pháp chế doanh nghiệp còn làm những công việc khác liên quan như: Đại diện thực hiện các công việc ngoài tố tụng: thủ tục xin cấp các loại giấy phép đại diện cho doanh nghiệp làm việc với cơ quan nhà nước đối với bất kỳ việc gì khi có yêu cầu; cập nhật văn bản pháp luật, chính sách pháp luật mới của nhà nước liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp …

Làm Chuyên viên Pháp chế Doanh nghiệp là như thế nào?

Làm Chuyên viên Pháp chế Doanh nghiệp là như thế nào? (Hình từ internet)

3. Làm thế nào để trở thành Chuyên viên pháp chế doanh nghiệp?

Chuyên viên pháp chế doanh nghiệp là những người có kiến thức và kinh nghiệm về pháp lý Doanh nghiệp, thường là những người có bằng cấp về luật.

Theo đó, để trở thành một chuyên viên pháp chế doanh nghiệp bạn cần phải nắm vững các kiến thức cơ bản của pháp luật theo tiêu chuẩn đào tạo ngành Luật của các trường đại học.

Cụ thể là kiến thức luật về doanh nghiệp, thuế, hợp đồng, tài sản… Đồng thời, cũng phải nắm rõ hệ thống các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, gồm các điều luật, các văn bản hướng dẫn thi hành, thực hiện thủ tục pháp lý.

Khi đi làm, doanh nghiệp hoạt động trong ngành, nghề nào thì phải tìm hiểu, nghiên cứu thêm pháp luật quy định cụ thể về ngành nghề đó.

Ngoài ra, cần đảm bảo được các kỹ năng nghề nghiệp như: tư vấn, soạn thảo văn bản, đàm phán, …

(có 2 đánh giá)
Theo Nguyễn Ngọc Quế Anh
2.351 
Click vào đây để xem danh sách Nhân viên Pháp chế hoặc nhận thông báo thường xuyên về Nhân viên Pháp chế
Click vào đây để xem danh sách Nhân viên Pháp chế hoặc nhận thông báo thường xuyên về Nhân viên Pháp chế