"Hét" giá, phí trông coi phương tiện tại lễ hội có vi phạm pháp luật?

(có 4 đánh giá)

Cho tôi hỏi ở một số nơi vào ngày lễ hội thường có hành vi hét giá trông coi phương tiện, giá trông coi lên đến vài chục ngàn so với giá dịch vụ thông thường. Cho tôi hỏi đối với hành vi này thì có vi phạm pháp luật không? Theo tôi biết nơi giữ xe trực thuộc đơn vị tổ chức lễ hội, vậy đơn vị tổ chức có bị xử phạt vi phạm hành chính luôn không? Có thể yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tại địa phương giải quyết tình trạng này không? (Hoàng Hà - Bắc Ninh)

Hét giá phí trông coi phương tiện tại lễ hội thì có vi phạm quy định pháp luật hay không?

Căn cứ Điều 6 Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định chung về hoạt động kinh doanh du lịch như sau:

Vi phạm quy định chung về hoạt động kinh doanh du lịch

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không có nhân lực hoặc cơ sở vật chất để tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của khách du lịch trong phạm vi quản lý.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi giải quyết không kịp thời kiến nghị, phản ánh của khách du lịch trong phạm vi quản lý khi nhận được kiến nghị, phản ánh.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tranh giành khách du lịch hoặc nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ;

b) Phân biệt đối xử với khách du lịch;

c) Không thực hiện đúng chế độ báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện tai nạn hoặc rủi ro, sự cố xảy ra với khách du lịch;

b) Không giải quyết kiến nghị, phản ánh của khách du lịch trong phạm vi quản lý;

c) Thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch.

...

9. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 3, điểm c khoản 4 Điều này.

Theo quy định trên thì hành vi hét giá trông coi phương tiện tại các lễ hội tại địa phương có thể xem là hành vi vi phạm pháp luật (thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch).

Đối với hành vi hét giá phí trông coi phương tiện tại các lễ hội thì người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Ngoài ra, người vi phạm còn buộc phải nộp lại số tiền bất hợp pháp mà mình thu được.

"Hét" giá, phí trông coi phương tiện tại lễ hội có vi phạm pháp luật?

Để xảy ra tình trạng hét giá phí trông coi phương tiện giữ xe tại lễ hội thì đơn vị tổ chức có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Căn cứ Điều 16 Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định về việc vi phạm quy định về quản lý điểm du lịch, khu du lịch như sau:

Vi phạm quy định về quản lý điểm du lịch, khu du lịch

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không công khai số điện thoại, địa chỉ của tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch hoặc khu du lịch.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có biển chỉ dẫn, thuyết minh hoặc biển báo về giao thông, các cơ sở dịch vụ, các điểm tham quan theo quy định;

b) Không có nội quy theo quy định.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có bộ phận thông tin hỗ trợ khách du lịch theo quy định;

b) Không có bộ phận bảo vệ trực 24 giờ mỗi ngày;

c) Không có bộ phận cứu hộ, cứu nạn theo quy định;

d) Không cung cấp dịch vụ thuyết minh, hướng dẫn du lịch theo quy định;

đ) Không có biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trong phạm vi quản lý theo quy định;

e) Không bố trí nhân lực làm vệ sinh môi trường theo quy định.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có kết nối giao thông, thông tin liên lạc theo quy định;

b) Không có hệ thống điện theo quy định;

c) Không có hệ thống cung cấp nước sạch theo quy định;

d) Không có dịch vụ ăn uống hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch theo quy định;

đ) Không có dịch vụ mua sắm hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch theo quy định;

e) Không có hệ thống cơ sở lưu trú du lịch theo quy định;

g) Không bảo đảm nhà vệ sinh công cộng theo quy định;

h) Không có đủ phương tiện, thiết bị thu gom chất thải đáp ứng yêu cầu giữ gìn vệ sinh môi trường theo quy định;

i) Không thu gom, xử lý chất thải phát sinh trong hoạt động du lịch theo quy định;

k) Không có các biện pháp phòng, chống cháy nổ theo quy định;

l) Kê khai không trung thực hồ sơ đề nghị công nhận điểm du lịch hoặc khu du lịch.

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng các biện pháp cản trở việc tham quan của khách du lịch ở những nơi được phép vào tham quan theo quy định;

b) Không phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch có thẩm quyền trong việc bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch theo quy định.

...

Như vậy, trong trường hợp để xảy ra tình trạng hét giá phí trong coi giữ xe tại lễ hội thì hành vi này sẽ được xem là hành vi không có biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trong phạm vi quản lý theo quy định.

Đơn vị tổ chức lễ hội sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Đối với hành vi hét giá phí trông coi phương tiện tại lễ hội thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thẩm quyền xử phạt hay không?

Căn cứ Điều 25 Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch như sau:

Phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại các Điều 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 theo thẩm quyền quy định tại Điều 20 Nghị định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

...

Như vậy, đối với trường hợp hét giá phí trông coi phương tiện tại lễ hội thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp sẽ có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm.

(có 4 đánh giá)
Theo Thành Nhân
2.450