Hành vi xâm hại sức khỏe người thân trong gia đình được quy định ra sao? Hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

(có 2 đánh giá)

Hành vi đánh đập xâm hại sức khỏe người thân trong gia đình được quy định ra sao? Người có hành vi xâm hại sức khỏe người thân trong gia đình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Thùy Trang - Thanh Hóa)

Cá nhân có hành vi xâm hại sức khỏe người thân trong gia đình thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Căn cứ Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình như sau:

Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này;

b) Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này.

Theo quy định trên thì cá nhân có hành vi xâm hại sức khỏe gây thương tích cho thành viên gia đình thì sẽ chịu mức xử phạt vi phạm hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Người vi phạm buộc phải xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu và phải chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với nạn nhân.

Hành vi xâm hại sức khỏe người thân trong gia đình được quy định ra sao? (Hình từ internet)

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm hại sức khỏe người thân trong gia đình là bao lâu?

Căn cứ Điều 5 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình là 01 năm.

2. Thời điểm để tính thời hiệu phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:

a) Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm;

b) Đối với hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm;

c) Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân do người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính chuyển đến thì thời hiệu xử phạt được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này và các điểm a và b khoản này tính đến thời điểm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Theo đó, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm hại sức khỏe của người thân trong gia đình là 01 năm.

Cá nhân có hành vi xâm hại sức khỏe người thân trong gia đình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác được không?

Căn cứ Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về tội làm nhục người khác như sau:

Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, trong trường hợp cá nhân có hành vi xâm hại sức khỏe người thân trong gia đình gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự từ 03 tháng đến 02 năm tù.

Trường hợp, gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự từ 02 năm đến 05 năm tù.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

(có 2 đánh giá)
Thành Nhân
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.449 
Việc làm mới nhất