Đặt tên con đúng quy định nhất - năm Nhâm Dần 2022

(có 1 đánh giá)

Việc đặt tên cho con cái thường được cha mẹ dựa trên sở thích, phong thủy, hay xem cái tên được đặt đó có hợp mệnh hay không hợp mệnh nhưng có một điều mà mọi người cần lưu ý nữa là đặt tên cho con cũng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Vậy luật pháp Việt Nam quy định việc đặt tên cho con như thế nào hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết này.

>> Đặt tên con là Cô Vy có vi phạm pháp luật không?

Quyền đối với họ, tên là một trong những quyền nhân thân được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Điểm a, Khoản 1, Điều 4 của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch quy định: “Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán”.

Tuy nhiên, việc cha mẹ thỏa thuận đặt tên cho con cái phải tuân thủ theo quy định tại Điều 26 Bộ luật dân sự năm 2015. Dưới đây là một số lưu ý khi đặt tên cho con

Tên con phải phải đặt bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam

Như vậy theo quy định của luật thì khi đặt tên cho con phải đặt những cái tên thuần việt như: Cúc, Lan, Đào, Huệ,... hoặc đặt những cái tên theo tiếng dân tộc của người Việt Nam mà có thể phiên âm được. Không được đặt tên con bằng tiếng nước ngoài, ví dụ như: Trần 俊豪, Phạm เมื่อวาน,... dĩ nhiên là những cái tên này tôi cũng không đọc được đâu. Việc này không chỉ khó khăn trong cách gọi mà còn gây khó khăn cho các cơ quan quản lý hộ tịch nữa nên các bậc cha mẹ lưu ý nhé.

Không được đặt tên con bằng số hoặc ký tự

Đây cũng là quy định nằm trong điều 26 bộ luật dân sự 2015. Việc này nhằm tạo sự thống nhất trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng như đơn giản hóa trong hoạt động quản lý hộ tịch. Vì vậy mọi người không thể sử dụng những chữ số, ký tự để đặt cho con như: Nguyễn Bé 2, Trần Văn 3, Chu Ngọc @,... đây được xem là những con số và ký tự. Thay vào đó mọi người có thể phiên âm ra chữ như: Nguyễn Bé Hai, Trần Văn Ba,... thì sẽ được chấp nhận.

Không đặt tên xâm phạm, xúc phạm tới người khác

Đây là quy định theo Khoản 3 Điều 26 Bộ luật Dân sự 2015, đặt tên cho con không được lựa chọn những cái tên xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.

Tuy nhiên, ở trường hợp những cái tên cấm đặt ở Việt Nam này còn mang tính chung chung, khái quát, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên không thể rõ được như thế nào mới là xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Tuy nhiên các bố các mẹ cũng hết sức lưu tâm đến vẫn đề này nha.

Không đặt tên con quá dài, khó sử dụng

Điều này được quy định tại điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP về việc đăng ký khai sinh, xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam và không đặt tên quá dài, khó sử dụng.

Như vậy có thể hiểu những cái tên quá dài như:  Công Tằng Tôn Nữ Tạ Thị Huyền Trang hay Nguyễn Thị Long Lanh Lóng Lánh Nắng Ban Mai sẽ không được chấp nhận nên các bậc phụ huynh lưu ý nhé.

Có được lấy tên danh nhân, vua chúa đặt tên cho con hay không?

Với những lưu ý đặt tên cho con mà bài viết đã liệt kê ở trên thì không có quy định nào pháp luật cấm việc lấy tên danh nhân hay vua chúa thời đại trước đặt tên cho con nên việc đặt cho con những cái tên như: Nguyễn Huệ, Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Ánh,... đều được và không vi phạm pháp luật nhé.

Căn cứ pháp lý

Nghị định số 123/2015/NĐ-CP

Bộ luật dân sự năm 2015

Hy vọng thông tin sẽ hữu ích cho các bạn. Đừng quên đánh giá 5 sao cho bài viết và 1 share ủng hộ nhé.

Nếu bạn đang có nhu cầu tìm việc làm thì hãy truy cập vào NhanLucNganhLuat.vn để ứng tuyển ngay nhé!

(có 1 đánh giá)
Theo Quỳnh Ny
2.710