Cướp giật tài sản là hàng giả thì định khung hình phạt như thế nào?

Cướp giật tài sản là hàng giả, giá trị thực tế thấp nhưng phải chịu khung hình phạt tương đương với tài sản hàng thật, giá trị cao. Đó là những quy định theo pháp luật hiện hành được quy định tại Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, Bộ Luật tố tụng hình sự 2015Nghị định 30/2018/NĐ-CP.

Lý giải về việc này, cùng tim hiểu lại một số quy định pháp luật hiện nay.

1. Về tội cướp giật tài sản

Điều 171 Bộ Luật hình sự quy định như sau

Điều 171. Tội cướp giật tài sản

1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

Có thể thấy, giá trị tài sản cướp giật là yếu tố quan trọng giúp định khung hình phạt với những tội danh xâm phạm quyền sở hữu, cụ thể ở đây là tội cướp giật tài sản.

 

Điện thoại Vertu có giá trị cao

2. Xác định giá trị tài sản trong Tố tụng hình sự ra sao?

Theo quy định tại Điều 215 Bộ Luật tố tụng hình sự, khi cần định giá tài sản để giải quyết vụ án thì cơ quan tố tụng có thẩm quyền ra yêu cầu định giá tài sản.

Việc tiến hành định giá tài sản do Hội đồng định giá thực hiện theo trình tự được quy định tại BLTTHS và Nghị định 30/2018/NĐ-CP.

 

3. Hàng giả được định giá như thế nào?

Theo quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 17 Nghị định 30/2018/NĐ-CP thì đối với tài sản là hàng giả, Hội đồng định giá xác định giá tài sản theo giá của hàng thật hoặc giá của tài sản tương tự theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Như vậy, có thể hiểu rằng dù hành vi cướp tài sản là hàng giả, có giá trị thấp nhưng khi xử lý hình sự, xác định tội danh thì phải căn cứ vào giá trị của hàng thật. Ví dụ một người cướp chiếc điện thoại Vertu giả, giá trị chỉ 2 triệu đồng, nhưng chiếc Vertu này làm giả theo một model sản phẩm, mà sản phẩm thật đó có giá trị là 500 triệu đồng thì định khung hình phạt phải ở mức cao nhất của Điều 171 là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Quy định này phù hợp với mặt chủ quan của tội cướp giật tài sản. Đối với tội cướp giật tài sản, mặt chủ quan của tội phạm bao gồm dấu hiệu lỗi, động cơ và mục đích thực hiện hành vi. Lỗi trong trường hợp này được xác định là lỗi cố ý, trực tiếp.

Động cơ của người thực hiện hành vi cướp giật tài sản được hiểu là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách cố ý.

Mục đích của hành vi phạm tội này là đạt được kết quả theo ý chí của người thực hiện hành vi, cụ thể là chiếm đoạt được tài sản của người khác. Đối với chiếc điện thoại Vertu, người thực hiện hành vi có ý chí là chiếm đoạt chiếc điện thoại Vertu đó chứ không phải là có ý chí chiếm đoạt chiếc điện thoại Vertu giả, và người đó biết và buộc phải biết giá trị chiếc điện thoại Vertu có giá trị như thế nào và tất nhiên khi định khung hình phạt thì phải xác định giá trị tang vật theo giá trị là hàng thật.

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Theo Trương Nguyễn Thạch
2.687