Công dân đủ 18 tuổi có những quyền gì?

(có 3 đánh giá)

Công dân đủ 18 tuổi được gọi là người thành niên đúng không? Công dân đủ 18 tuổi có những quyền gì? Các quyền công dân của công dân đủ 18 tuổi chỉ bị hạn chế trong trường hợp nào theo quy định của pháp luật hiện hành? Câu hỏi của anh B (Hồ Chí Minh).

Công dân đủ 18 tuổi được gọi là người thành niên đúng không?

Tại Điều 20 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thành niên và người chưa thành niên như sau:

Điều 20. Người thành niên

1. Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên.

2. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Bộ luật này.

Điều 21. Người chưa thành niên

1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Theo quy định này thì Công dân đủ 18 tuổi và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ trừ trường hợp quy định tại các Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015, Điều 23 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 24 Bộ luật Dân sự 2015 thì được gọi là người thành niên.

Công dân đủ 18 tuổi có những quyền gì?

Công dân đủ 18 tuổi có những quyền gì? (Hình từ Internet)

Công dân đủ 18 tuổi có những quyền gì?

(1) Quyền bầu cử, quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.

Tại Điều 27 Hiến pháp 2013 quy định về quyền bầu cử của công dân như sau:

Điều 27. Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định.

Đồng thời tại Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 cũng quy định:

Điều 2. Tuổi bầu cử và tuổi ứng cử

Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này.

Về quyền biểu quyết của công dân đủ 18 tuổi được quy định tại Điều 29 Hiếp pháp 2013, cụ thể như sau:

Điều 29. Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.

(2) Quyền đăng ký kết hôn:

Cụ thể tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tuổi kết hôn như sau:

Điều kiện kết hôn

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Theo quy định này thì công dân nữ từ đủ 18 tuổi trở lên, tự nguyện và không bị mất năng lực hành vi dân sự cũng như không thuộc các trường hợp cấm kết hôn theo quy định thì được quyền đăng ký kết hôn.

(3) Quyền trực tiếp giao kết hợp đồng lao động:

Tại Điều 18 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động như sau:

Thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động

...

4. Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó;

c) Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;

d) Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động.

5. Người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động không được ủy quyền lại cho người khác giao kết hợp đồng lao động.

Theo quy định này thì người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên được quyền trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.

(4) Quyền tham gia nghĩa vụ quân sự:

Cụ thể tại Điều 12 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 và Điều 30 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định như sau:

Điều 12. Đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự

1. Công dân nam đủ 17 tuổi trở lên.

2. Công dân nữ quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật này đủ 18 tuổi trở lên.

Điều 30. Độ tuổi gọi nhập ngũ

Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

Theo quy định này thì đối với công dân đủ 18 tuổi là công dân nữ thì được đăng ký nghĩa vụ quân sự.

Bên cạnh đó, công dân đủ 18 tuổi sẽ được gọi nhập ngũ, độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

Các quyền công dân của công dân đủ 18 tuổi chỉ bị hạn chế trong trường hợp nào?

Tại Điều 14 Hiến pháp 2013 quy định về trường hợp quyền của công dân bị hạn chế như sau:

Điều 14.

1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Theo quy định này thì quyền công dân của công dân đủ 18 tuổi chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

(có 3 đánh giá)
Theo Phạm Thị Xuân Hương
6.192