Những vấn đề pháp lý xoay quanh việc làm từ thiện

Những ngày qua các nhà hảo tâm trên gắp cả nước đều đồng lòng hướng về miền Trung. Những lời kêu gọi quyên góp đã được các cá nhân tổ chức từ thiện đại diện nhận, đơn cử là ca sĩ Thủy Tiên đã vận động quyên góp được hơn 100 tỉ đồng trong vòng 1 tuần. Với số tiền quyên góp quá lớn nhiều hệ lụy liên quan đến pháp luật đã xảy ra từ việc cách dùng số tiền, quy mô tổ chức từ thiện, sợ bị ăn chặn, cắt xén hay kẻ xấu lợi dụng chiếm đoạt số tiền lớn.

Quan điểm về việc làm từ thiện của Thủy Tiên là đúng hay sai?

Theo Khoản 3 Điều 5 Nghị định 64/2008/NĐ-CP thì ngoài các tổ chức, đơn vị như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội chữ thập đỏ Việt Nam, cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương… thì không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ; do đó, việc ca sĩ Thủy Tiên nhận tiền từ thiện của người dân để ủng hộ đồng bào miền Trung là vi phạm pháp luật.

Có rất nhiều ý kiến tranh cãi nổ ra xoay quanh việc làm từ thiện căn cứ theo quy định của pháp luật của nữ ca sĩ, nhiều Luật sư, nhà làm luật đã đưa ra quan điểm đúng sai về việc làm này tuy nhiên. Có người cho rằng không nên dùng Nghị định 64 để điều chỉnh hành vi làm từ thiện của nữ ca sĩ, việc nhận định cô làm từ thiện trái với quy định của pháp luật là không đúng, thể hiện sự hiểu sai quy định của pháp luật.

Các bạn sinh viên trên khắp diễn đàn cũng quan tâm vấn đề này không kém vì họ sợ rằng Thủy Tiên “làm ơn mắc oán” lòng tốt của cô có thể vi phạm pháp luật vì 1 nghị định.

Hầu hết mọi người đều cho rằng Nghị định 64 đang có những bất cập nhất định và kiến nghị sửa đổi Nghị định về cứu trợ.

Nhìn chung cho đến thời điểm hiện tại chưa có một thông báo nào chính thức của nhà nước nhận định việc cứu trợ nhận quyên góp của Thủy Tiên là vi phạm pháp luật nên quan điểm nhận định việc làm từ thiện đúng sai nhìn dưới góc độ pháp lý vẫn đang được bàn luận sôi nổi.

Ăn chặn tiền từ thiện có thể bị phạt tù chung thân

Từ việc từ thiện lại nói đến vấn đề các “nhà từ thiện rởm” ăn chặn tiền của nhà hảo tâm trên cả nước tư lợi riêng cho chính mình. Có rất nhiều người lợi dụng lòng tốt của người khác để chiếm đoạt đồng tiền này. Rõ ràng đây là hành vi trái với đạo đức, trái với lương tâm và dưới góc độ pháp lý nó là hành vi vi phạm pháp luật.

Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, hành vi giả mạo, gian dối nhằm chiếm đoạt tiền của người khác sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Trường hợp chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2 triệu đồng trở lên nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS 2015.

Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 -đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm:

Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp thì bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Ngay trong lúc cả nước đồng lòng hướng về miền Trung thì vẫn có những kẻ xấu lợi dụng sơ hở để trục lợi cho bản thân mình. Vì vậy những hành vi này cần nghiêm cấm và phạt nặng triệt để không để cho loại tội phạm này hoành hành.

Theo Quỳnh Ny
3.151