Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi đăng ký kết hôn hoặc được pháp luật thừa nhận. Về nguyên tắc chung, khi quan hệ hôn nhân còn tồn tại thì tài sản chung vẫn còn tồn tại, chế độ tài sản này chỉ chấm dứt khi quan hệ hôn nhân chấm dứt. Tuy nhiên, nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh riêng, hay để giải quyết các mẫu thuẫn trong quản lý tài chính hoặc nhiều lý do khác mà nhiều cặp vợ chồng muốn được chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

Do đó, nhằm giúp mọi người có cái nhìn tổng quát nhất về vấn đề này, hôm nay tôi sẽ bàn về nội dung Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân”.

Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Thứ nhất: Có được chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân hay không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

“Điều 38. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

1. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết”.

Thì: Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung. Nếu vợ chồng không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Như vậy: Nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh riêng cũng như để đảm bảo quyền sở hữu cá nhân theo quy định tại Điều 32 Hiến pháp năm 2013, Luật hôn nhân và gia đình 2014 tiếp tục thừa nhận và quy định về nội dung chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

Thứ hai: Về hình thức phân chia tài sản chung của vợ chồng

Theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 “Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.”.

Như vậy, thỏa thuận này phải được lập thành văn bản. Và văn bản này phải được công chứng theo quy định của pháp luật đối với các loại tài sản như: Động sản phải đăng ký quyền sở hữu; Bất động sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất,v.v... Còn đối với các loại tài sản khác thì không bắt buộc công chứng, mà chỉ là do thỏa thuận giữa hai vợ chồng, hoặc theo yêu cầu của một bên muốn công chứng văn bản phân chia tài sản chung này.

Bên cạnh đó, khi vợ chồng có nguyện vọng phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân nhưng không thỏa thuận được, thì vợ chồng có thể yêu cầu Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung (Theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình 2014). Khi đó Quyết định hoặc Bản án về việc phân chia tài sản chung đó được xem như hình thức hợp pháp của việc chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân.

Thứ ba: Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Theo quy định tại Điều 39 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, thời điểm có hiệu lực của việc phân chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân được xác định như sau:

- Nếu việc phân chia tài sản được vợ chồng thỏa thuận và lập thành văn bản: Thì thời điểm có hiệu lực sẽ do vợ chồng thỏa thuận và ghi trong văn bản. Nếu văn bản thỏa thuận không xác định rõ thời gian cụ thể => thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày vợ chồng lập văn bản;

Lưu ý: Trong trường hợp tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định, thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định. Ví dụ: Liên quan đến tài sản chung là đất đai nhà ở, thì phải được đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu theo đúng quy định pháp luật về đất đai.

- Nếu trường hợp vợ chồng yêu cầu Tòa án phân chia: Thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Thứ tư: Những trường hợp chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu

Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(1) Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

(2) Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

- Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng;

- Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại;

-  Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản;

- Nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức;

- Nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước;

- Nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của pháp luật.

(Điều 42 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)

Ví dụ: Người chồng có vay một khoản nợ lớn bên ngoài (được xác định là khoản vay riêng của người chồng). Nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ với người thứ ba, hai vợ chồng đã lập thỏa thuận phân chia tài sản chung, theo đó thỏa thuận toàn bộ tài sản chung của hai vợ chồng sẽ được phân chia theo tỷ lệ 90% thuộc về người vợ, 10% thuộc về người chồng. Rõ xét, đây là thỏa thuận nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức => Nên thỏa thuận này sẽ bị tuyên là vô hiệu.

Thứ năm: Hậu quả của việc phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân (Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình 2014; và Điều 14 Nghị định 126/2014/NĐ-CP)

Kể từ ngày việc phân chia tài sản chung có hiệu lực, chế độ tài sản vợ chồng xác định như sau:

  1. Tài sản không chia vẫn là tài sản chung vợ chồng, việc phân chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân không làm chấm dứt chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định.
  2.  Phần tài sản chung được chia; hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung được chia; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng khác được xác định là tài sản riêng của người đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuân khác.

Ví dụ: Vợ chồng có hai căn nhà, quyết định phân chia mỗi người một căn. Theo đó, các khoản lợi tức phát sinh từ việc cho thuê nhà, kinh doanh nhà trọ liên quan đến căn nhà được chia => sẽ được xác định là tài sản riêng của hai vợ, chồng.

  1. Thỏa thuận của vợ chồng không được làm thay đổi quyền, nghĩa vụ về tài sản được xác lập trước đó giữa vợ, chồng với người thứ ba. Cụ thể, quyền và nghĩa vụ về tài sản giữa vợ, chồng với người thứ ba phát sinh trước thời điểm việc phân chia tài sản chung vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Lưu ý: Từ thời điểm có hiệu lưc của phân chia tài sản, nếu tài sản có được từ việc khai thác tài sản riêng mà không xác định được đó là thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh của vơ chồng hay là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng thì tài sản đó là tài sản chung vợ chồng.

Thứ sáu: Chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

(Điều 41 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)

- Sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung. Hình thức của thỏa thuận chấm dứt này được thực hiện như lúc xác lập ban đầu;

- Đối với trường hợp việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án, thì thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung phải được Tòa án công nhận.

- Kể từ ngày thỏa thuận chấm dứt này có hiệu lực, việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng được thực hiện theo quy định chung (theo quy định tại Điều 33 và Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014). Phần tài sản đã được chia vẫn thuộc sở hữu riêng của vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

- Quyền, nghĩa vụ về tài sản phát sinh trước thời điểm chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Trên đây là toàn bộ nội dung tôi muốn giới thiệu đến quý vị và các bạn có liên quan đến nội dung  “Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân”.

Theo Quỳnh Ny
2.640