Cách viết ngày tháng năm ban hành văn bản hành chính đúng chuẩn theo quy định hiện hành?

(có 1 đánh giá)

Em có thể hướng dẫn giúp chị cách viết ngày tháng năm ban hành văn bản hành chính theo quy định mới nhất hiện nay được không? Và văn bản nào đang hướng dẫn nội dung này vậy em? Đây là câu hỏi của chị C.G đến từ Trà Vinh.

Cá nhân được giao chủ trì soạn thảo văn bản hành chính thực hiện các công việc gì?

Cá nhân được giao chủ trì soạn thảo văn bản hành chính thực hiện các công việc được quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 30/2020/NĐ-CP như sau:

Soạn thảo văn bản

1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mục đích, nội dung của văn bản cần soạn thảo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền giao cho đơn vị hoặc cá nhân chủ trì soạn thảo văn bản.

2. Đơn vị hoặc cá nhân được giao chủ trì soạn thảo văn bản thực hiện các công việc: Xác định tên loại, nội dung và độ mật, mức độ khẩn của văn bản cần soạn thảo; thu thập, xử lý thông tin có liên quan; soạn thảo văn bản đúng hình thức, thể thức và kỹ thuật trình bày.

Đối với văn bản điện tử, cá nhân được giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản ngoài việc thực hiện các nội dung nêu trên phải chuyển bản thảo văn bản, tài liệu kèm theo (nếu có) vào Hệ thống và cập nhật các thông tin cần thiết.

3. Trường hợp cần sửa đổi, bổ sung bản thảo văn bản, người có thẩm quyền cho ý kiến vào bản thảo văn bản hoặc trên Hệ thống, chuyển lại bản thảo văn bản đến lãnh đạo đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản để chuyển cho cá nhân được giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản.

4. Cá nhân được giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản chịu trách nhiệm trước người đứng đầu đơn vị và trước pháp luật về bản thảo văn bản trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ được giao.”

Theo đó, cá nhân được giao chủ trì soạn thảo văn bản thực hiện các công việc gồm:

- Xác định tên loại, nội dung và độ mật, mức độ khẩn của văn bản cần soạn thảo;

- Thu thập, xử lý thông tin có liên quan;

- Soạn thảo văn bản đúng hình thức, thể thức và kỹ thuật trình bày.

Đối với văn bản điện tử, cá nhân được giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản ngoài việc thực hiện các nội dung nêu trên phải chuyển bản thảo văn bản, tài liệu kèm theo (nếu có) vào Hệ thống và cập nhật các thông tin cần thiết.

Cách viết ngày tháng năm ban hành văn bản hành chính đúng chuẩn theo quy định hiện hành?

Cách viết ngày tháng năm ban hành văn bản hành chính đúng chuẩn theo quy định hiện hành? (Hình từ Internet)

Thời gian ban hành văn bản hành chính được được lấy theo thứ tự nào?

Thì theo Điều 15 Nghị định 30/2020/NĐ-CP có quy định như sau:

Cấp số, thời gian ban hành văn bản

1. Số và thời gian ban hành văn bản được lấy theo thứ tự và trình tự thời gian ban hành văn bản của cơ quan, tổ chức trong năm (bắt đầu liên tiếp từ số 01 vào ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 hàng năm). Số và ký hiệu văn bản của cơ quan, tổ chức là duy nhất trong một năm, thống nhất giữa văn bản giấy và văn bản điện tử.

a) Việc cấp số văn bản quy phạm pháp luật: Mỗi loại văn bản quy phạm pháp luật được cấp hệ thống số riêng.

b) Việc cấp số văn bản chuyên ngành do người đứng đầu cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực quy định.

c) Việc cấp số văn bản hành chính do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định.

2. Đối với văn bản giấy, việc cấp số, thời gian ban hành được thực hiện sau khi có chữ ký của người có thẩm quyền, chậm nhất là trong ngày làm việc tiếp theo. Văn bản mật được cấp hệ thống số riêng.

3. Đối với văn bản điện tử, việc cấp số, thời gian ban hành được thực hiện bằng chức năng của Hệ thống.”

Theo đó, thời gian ban hành văn bản hành chính được lấy theo trình tự thời gian ban hành văn bản của cơ quan, tổ chức trong năm (bắt đầu liên tiếp từ số 01 vào ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 hàng năm).

Cách viết ngày tháng năm ban hành văn bản hành chính đúng chuẩn theo quy định hiện hành?

Cách viết ngày tháng năm ban hành văn bản hành chính đúng chuẩn được thực hiện theo tiểu mục 4 Mục II Phần I Phụ lục I Thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản hành chính và bản sao văn bản được ban hành kèm theo Nghị định 30/2020/NĐ-CP như sau:

Thời gian ban hành văn bản là ngày, tháng, năm văn bản được ban hành. Thời gian ban hành văn bản phải được viết đầy đủ; các số thể hiện ngày, tháng, năm dùng chữ số Ả Rập; đối với những số thể hiện ngày nhỏ hơn 10 và tháng 1, 2 phải ghi thêm số 0 phía trước.

Thời gian ban hành văn bản được trình bày trên cùng một dòng với số, ký hiệu văn bản, tại ô số 4 Mục IV Phần I Phụ lục này.

- Loại chữ: In thường;

- Cỡ chữ: 13-14;

Cỡ chữ trong cùng một văn bản tăng, giảm phải thống nhất, ví dụ: Quốc hiệu cỡ chữ 13, Tiêu ngữ cỡ chữ 14, địa danh và ngày tháng năm văn bản cỡ chữ 14 hoặc Quốc hiệu cỡ chữ 12, Tiêu ngữ cỡ chữ 13, địa danh và ngày tháng năm văn bản cỡ chữ 13.

- Kiểu chữ: Nghiêng;

- Các chữ cái đầu của địa danh phải viết hoa; sau địa danh có dấu phẩy (,);

- Địa danh và ngày, tháng, năm được đặt dưới, canh giữa so với Quốc hiệu và Tiêu ngữ.

(có 1 đánh giá)
Theo Nguyễn Nhật Vy
3.567