Cách điền phiếu dự tuyển công chức mới nhất

(có 1 đánh giá)

Tôi đang làm hồ sơ dự tuyển công chức trong năm nay, vậy cho tôi hỏi phiếu dự tuyển công chức phải điền thế nào? - Thùy Dung (Tiền Giang)

Bước đầu tiên để đăng ký dự tuyển công chức là người dự tuyển phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu, trong đó có phiếu dự tuyển công chức. Vậy việc điền phiếu dự tuyển công chức ra sao?

Cách điền phiếu dự tuyển công chức mới nhất

Cách điền phiếu dự tuyển công chức mới nhất (Hình từ Internet)

1. Mẫu phiếu dự tuyển công chức mới nhất

Mẫu phiếu đăng ký dự tuyển công chức theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định 138/2020/NĐ-CP như sau:

Phiếu đăng ký dự tuyển

Tải về

2. Cách điền phiếu dự tuyển công chức mới nhất

Việc điền phiếu dự tuyển công chức được hướng dẫn theo Thông báo 62/TB-TCTHADS ngày 06/3/2024 như sau:

- Mục Vị trí đăng ký thi tuyển: Ghi đứng vị trí đăng ký dự tuyển (VD: tổ chức thi hành án).

- Mục Đơn vị đăng ký thi tuyển: Ghi đúng tên đơn vị có chỉ tiêu tuyển dụng (VD: Cục THADS tỉnh An Giang).

- Mục THÔNG TIN CÁ NHÂN

+ Họ và tên: thí sinh ghi rõ họ tên chữ in hoa.

+ Dân tộc: thí sinh ghi theo đúng dân tộc trên giấy khai sinh.

+ Số điện thoại di động để báo tin: ghi rõ số điện thoại liên hệ và email (nếu có) của thí sinh.

+ Chỗ ở hiện nay (để báo tin): thí sinh phải ghi rõ địa chỉ: xóm (số nhà), thôn (đường phố, ngõ ngách), xã (phường), huyện (quận), tỉnh (thành phố).

- Mục THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ GIA ĐÌNH: Thí sinh ghi đầy đủ thông tin của cha, mẹ, anh, chị, em ruột và thông tin của vợ hoặc chồng, con đẻ hoặc con nuôi.

- Mục THÔNG TIN VỀ QUÁ TRÌNH ĐÀO TẠO: thí sinh dự tuyển phải ghi đúng những thông tin ghi trên văn bằng vào bảng “Thông tin về quá trình đào tạo” tại mục này, những trường hợp ghi sai thông tin trên văn bằng thì kết quả tuyển dụng công chức sẽ bị xem xét hủy bỏ theo quy định của pháp luật.

+ Cột (3) Trình độ văn bằng/chứng chỉ: thí sinh ghi trình độ đào tạo như sau: TSKH, TS, Ths, Cử nhân, Kỹ sư

+ Cột (4) Số hiệu văn bằng, chứng chỉ: ghi cụ thể số hiệu bằng được ghi trên bằng tốt nghiệp.

+ Cột (5) Chuyên ngành đào tạo và cột (6) ngành đào tạo: thí sinh ghi chuyên ngành và ngành đào tạo theo bảng điểm. Trường hợp bảng điểm không ghi chuyên ngành mà chỉ ghi ngành thì thí sinh chỉ ghi ngành vào cột (6).

+ Cột (7) Hình thức đào tạo: thí sinh ghi Chính quy, tại chức, chuyên tu, bồi dưỡng...

+ Cột (8) xếp loại bằng/chứng chỉ: thí sinh ghi: Giỏi, Khá, Trung bình

- Mục MIỄN THI NGOẠI NGỮ: những thí sinh được miễn thi môn ngoại ngữ ghi rõ lý do miễn thi ở mục này. Thí sinh được miễn thi môn ngoại ngữ khi có một trong các điều kiện sau:

* Có bằng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển;

* Có bằng tốt nghiệp cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp và được công nhận tại Việt Nam theo quy định.

* Có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số hoặc là người dân tộc thiểu số, trong trường hợp dự tuyển vào công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số.

- Mục ĐỐI TƯỢNG ƯU TIÊN (nếu có): ghi đúng đối tượng ưu tiên, ngày cấp Giấy chứng nhận ưu tiên theo quy định tại Điều 5 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Lưu ý:

- Người dự tuyển phải cam kết những thông tin đã khai trên phiếu là đúng sự thật, trường hợp khai sai thì kết quả tuyển dụng sẽ bị xem xét hủy bỏ và người dự tuyển phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

- Thí sinh phải kê khai đối tượng ưu tiên trong Phiếu đăng ký dự tuyển và nộp giấy xác định đối tượng ưu tiên (nếu có) nêu trên cùng với Phiếu đăng ký dự tuyển, nếu không kê khai và không nộp giấy xác nhận ưu tiên trong thời hạn quy định sẽ không được xem xét ưu tiên trong tuyển dụng.

Người viết phiếu phải ký trên từng trang của Phiếu đăng ký dự tuyển.

(có 1 đánh giá)
Theo Lê Trương Quốc Đạt
2.886