Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định miễn nhiệm Chấp hành viên thi hành án dân sự trong trường hợp nào?

(có 2 đánh giá)

Tôi có thắc mắc là Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định miễn nhiệm Chấp hành viên thi hành án dân sự trong trường hợp nào? Hồ sơ đề nghị miễn nhiệm Chấp hành viên cần những gì? Câu hỏi của anh Quý ở Vĩnh Long.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định miễn nhiệm Chấp hành viên thi hành án dân sự trong trường hợp nào?

Căn cứ theo Điều 19 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định như sau:

Miễn nhiệm Chấp hành viên

1. Chấp hành viên đương nhiên được miễn nhiệm trong trường hợp nghỉ hưu hoặc chuyển công tác đến cơ quan khác.

2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định miễn nhiệm Chấp hành viên trong các trường hợp sau đây:

a) Do hoàn cảnh gia đình hoặc sức khỏe mà xét thấy không thể bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ Chấp hành viên;

b) Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ không bảo đảm thực hiện nhiệm vụ Chấp hành viên hoặc vì lý do khác mà không còn đủ tiêu chuẩn để làm Chấp hành viên.

3. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục miễn nhiệm Chấp hành viên.”

Theo quy định trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ xem xét và quyết định miễn nhiệm Chấp hành viên khi thuộc một trong hai trường hợp sau:

- Chấp hành viên không thể đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ do hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do sức khỏe;

- Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ không bảo đảm thực hiện nhiệm vụ Chấp hành viên hoặc vì lý do khác mà không còn đủ tiêu chuẩn để làm Chấp hành viên.

Ngoài ra, trường hợp Chấp hành viên thi hành án dân sự đã đến tuổi nghỉ hưu hoặc được chuyển công tác đến cơ quan khác thì sẽ đương nhiên miễn nhiệm Chấp hành viên này.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định miễn nhiệm Chấp hành viên thi hành án dân sự trong trường hợp nào?

Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định miễn nhiệm Chấp hành viên thi hành án dân sự trong trường hợp nào? (Hình từ Internet)

Đủ tiêu chuẩn để làm Chấp hành viên thi hành án dân sự là đáp ứng đủ những điều kiện gì?

Theo Điều 18 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định như sau:

Tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên

1. Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, trung thực, liêm khiết, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ cử nhân luật trở lên, có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có thể được bổ nhiệm làm Chấp hành viên.

2. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này và có đủ các điều kiện sau thì được bổ nhiệm làm Chấp hành viên sơ cấp:

a) Có thời gian làm công tác pháp luật từ 03 năm trở lên;

b) Đã được đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự;

c) Trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp.

3. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này và có đủ các điều kiện sau thì được bổ nhiệm làm Chấp hành viên trung cấp:

a) Có thời gian làm Chấp hành viên sơ cấp từ 05 năm trở lên;

b) Trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên trung cấp.

4. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này và có đủ các điều kiện sau thì được bổ nhiệm làm Chấp hành viên cao cấp:

a) Có thời gian làm Chấp hành viên trung cấp từ 05 năm trở lên;

b) Trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên cao cấp.

...”

Theo đó, công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, trung thực, liêm khiết, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ cử nhân luật trở lên, có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có thể được bổ nhiệm làm Chấp hành viên.

Để được bổ nhiệm làm Chấp hành viên sơ cấp, trung cấp hay Chấp hành viên cao cấp thì cần có đủ tiêu chuẩn và các điều kiện được quy định cụ thể như trên.

Ngoài ra, một số trường hợp theo quy định tại khoản 5, 6, 7 Điều 18 này, được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 cũng sẽ được bổ nhiệm làm Chấp hành viên, cụ thể:

- Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, là sỹ quan quân đội tại ngũ thì được bổ nhiệm Chấp hành viên trong quân đội.

Tiêu chuẩn để được bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp trong quân đội được thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

- Người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên được điều động đến công tác tại cơ quan thi hành án dân sự, người đã từng là Chấp hành viên nhưng được bố trí làm nhiệm vụ khác và có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này thì có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên ở ngạch tương đương không qua thi tuyển.

- Trường hợp đặc biệt do nhu cầu bổ nhiệm Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 05 năm trở lên có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp; có 10 năm làm công tác pháp luật trở lên có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên trung cấp; có 15 năm làm công tác pháp luật trở lên có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên cao cấp không qua thi tuyển.

Hồ sơ đề nghị miễn nhiệm Chấp hành viên thi hành án dân sự cần những gì?

Căn cứ theo Điều 64 Nghị định 62/2015/NĐ-CP, Điều 2 Nghị định 33/2020/NĐ-CP quy định như sau:

Trình tự, thủ tục miễn nhiệm Chấp hành viên

1. Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự chuẩn bị hồ sơ đề nghị miễn nhiệm Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự; Cục trưởng Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng chuẩn bị hồ sơ đề nghị miễn nhiệm Chấp hành viên Phòng Thi hành án cấp quân khu.

2. Hồ sơ đề nghị miễn nhiệm Chấp hành viên gồm có:

a) Đơn xin miễn nhiệm Chấp hành viên, nếu có, trong đó nêu rõ lý do của việc xin miễn nhiệm Chấp hành viên;

c) Văn bản đề nghị miễn nhiệm Chấp hành viên của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự đối với Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự hoặc Cục trưởng Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng đối với Chấp hành viên Phòng Thi hành án cấp quân khu.”

Theo đó, hồ sơ đề nghị miễn nhiệm chấp hành viên gồm có:

- Đơn xin miễn nhiệm Chấp hành viên, trong đó nêu rõ lý do của việc xin miễn nhiệm Chấp hành viên;

- Văn bản đề nghị miễn nhiệm Chấp hành viên của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự đối với Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự hoặc Cục trưởng Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng đối với Chấp hành viên Phòng Thi hành án cấp quân khu.

(có 2 đánh giá)
Theo Mai Hoàng Trúc Linh
2.245