05 điều cần biết về Hiệp hội công chứng viên Việt Nam

(có 1 đánh giá)

05 điều cần biết về Hiệp hội công chứng viên Việt Nam? Tên giao dịch quốc tế của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam bằng tiếng Anh là gì và trụ sở của Hiệp hội được đặt ở đâu?

1. Khái quát về Hiệp hội công chứng viên Việt Nam

Theo Điều 27 Nghị định 29/2015/NĐ-CP thì Hiệp hội công chứng viên Việt Nam được khái quát như sau:

- Hiệp hội công chứng viên Việt Nam là Tổ chức xã hội - nghề nghiệp toàn quốc của các công chứng viên Việt Nam theo quy định tại Khoản 1 Điều 39 của Luật Công chứng 2014.

Hiệp hội công chứng viên Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự quản, công khai, minh bạch, phi lợi nhuận, tự chịu trách nhiệm về kinh phí hoạt động phù hợp với quy định của Luật Công chứng 2014 và Nghị định 29/2015/NĐ-CP.

Hiệp hội công chứng viên Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.

- Hoạt động của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

- Hội viên của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam là các Hội công chứng viên của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các công chứng viên.

Quyền và nghĩa vụ của hội viên Hiệp hội công chứng viên Việt Nam do Điều lệ Hiệp hội công chứng viên Việt Nam quy định.

Ngoài ra, biểu trưng của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam được cấu trúc gồm hình tròn nền trắng với các chi tiết thiết kế bằng gam màu xanh đậm và màu vàng; biểu trưng hình tròn được viền phía trên bởi dòng chữ “HIỆP HỘI CÔNG CHỨNG VIÊN VIỆT NAM” và phía dưới là hai bông lúa cùng dòng chữ “XÁC THỰC Ý CHÍ - TẠO LẬP NIỀM TIN”; chính giữa là hình ảnh ngòi bút cách điệu từ hai đầu Chim Lạc vươn cao đối vào nhau biểu trưng cho hoạt động nghề nghiệp của các công chứng viên cùng cánh chim trải rộng biểu trưng cho niềm tin về sự phát triển của hoạt động công chứng tại Việt Nam trong tương lai.

https://lh7-us.googleusercontent.com/2db_Z1GtZX5-elYzi0MTriAYeVXD9655ndssF89c8-2jmWDG934tGuNcZMLRkj243dEGIjfud3YYuWFt6dTztEUgrwG9X-CaQf6U1GTck0xfmphFPhKqK7ISH2WbHd_EyIzzwdW8C8OveEW9BqaIpQ8

2. Hiệp hội công chứng viên Việt Nam được thành lập thế nào?

Việc thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam được quy định tại Điều 28 Nghị định 29/2015/NĐ-CP cụ thể như sau:

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam và tổ chức thực hiện Đề án sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

05 điều cần biết về Hiệp hội công chứng viên Việt Nam

05 điều cần biết về Hiệp hội công chứng viên Việt Nam (Hình từ Internet)

3. Hiệp hội công chứng viên Việt Nam có các cơ quan nào?

Căn cứ tại Điều 29 Nghị định 29/2015/NĐ-CP, Hiệp hội công chứng viên Việt Nam có các cơ quan sau đây:

- Đại hội đại biểu công chứng viên toàn quốc là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam.

- Hội đồng công chứng viên toàn quốc là cơ quan lãnh đạo của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam giữa hai kỳ Đại hội đại biểu công chứng viên toàn quốc.

- Ban Thường vụ Hiệp hội công chứng viên Việt Nam là cơ quan điều hành công việc của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam giữa hai kỳ họp của Hội đồng công chứng viên toàn quốc.

- Các cơ quan khác do Điều lệ Hiệp hội công chứng viên Việt Nam quy định.

- Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan quy định tại khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều 29 Nghị định 29/2015/NĐ-CP do Điều lệ Hiệp hội công chứng viên Việt Nam quy định.

4. Điều lệ Hiệp hội công chứng viên Việt Nam có những nội dung gì?

4.1 Điều lệ Hiệp hội công chứng viên Việt Nam do cơ quan nào thông qua?

Dựa vào quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định 29/2015/NĐ-CP: căn cứ quy định của Luật Công chứng 2014 và Nghị định 29/2015/NĐ-CP, Đại hội đại biểu công chứng viên toàn quốc thông qua Điều lệ Hiệp hội công chứng viên Việt Nam.

Lưu ý: Điều lệ Hiệp hội công chứng viên Việt Nam được áp dụng thống nhất đối với Hiệp hội công chứng viên Việt Nam và các Hội công chứng viên.

4.2 Điều lệ Hiệp hội công chứng viên Việt Nam có những nội dung gì?

Điều lệ của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam bao gồm những nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 31 Nghị định 29/2015/NĐ-CP cụ thể như sau:

- Tôn chỉ, mục đích và biểu tượng của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam;

- Quyền, nghĩa vụ của hội viên Hiệp hội công chứng viên Việt Nam;

- Mối quan hệ giữa Hiệp hội công chứng viên Việt Nam và Hội công chứng viên;

- Thủ tục gia nhập, rút tên khỏi danh sách hội viên của Hội công chứng viên, khai trừ tư cách hội viên;

- Nhiệm kỳ, cơ cấu tổ chức, thể thức bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam, Hội công chứng viên;

- Mối quan hệ phối hợp giữa các Hội công chứng viên trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định;

- Cơ cấu, nhiệm vụ, quyền hạn của Đại hội đại biểu công chứng viên toàn quốc, Đại hội toàn thể công chứng viên của Hội công chứng viên; trình tự, thủ tục tiến hành Đại hội của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam, Hội công chứng viên;

- Việc ban hành nội quy của Hội công chứng viên;

- Tài chính của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam, Hội công chứng viên;

- Khen thưởng, kỷ luật hội viên và giải quyết khiếu nại, tố cáo;

- Nghĩa vụ báo cáo của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam, Hội công chứng viên;

- Quan hệ với cơ quan, tổ chức khác.

5. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam

Nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam được quy định tại Điều 30 Nghị định 29/2015/NĐ-CP, cụ thể:

- Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên theo quy định của Điều lệ Hiệp hội công chứng viên Việt Nam và theo quy định của pháp luật.

- Kết nạp, khai trừ hội viên; khen thưởng, kỷ luật hội viên; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Điều lệ Hiệp hội công chứng viên Việt Nam.

- Ban hành Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; giám sát hội viên trong việc tuân thủ Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng và quy định của pháp luật về công chứng.

- Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập sự hành nghề công chứng theo quy định của pháp luật; tham gia xây dựng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Thành lập Quỹ bồi thường thiệt hại trong phạm vi tổ chức mình để hỗ trợ việc bồi thường thiệt hại do lỗi của hội viên khi hành nghề công chứng trong trường hợp bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của hội viên không đủ bồi thường; quản lý Quỹ bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về công chứng theo quy định của pháp luật.

- Kiểm tra việc thực hiện Điều lệ Hiệp hội công chứng viên Việt Nam; đình chỉ thi hành và yêu cầu sửa đổi, hủy bỏ nghị quyết, quyết định, quy định của Hội công chứng viên trái với Điều lệ Hiệp hội công chứng viên Việt Nam; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ thi hành và yêu cầu sửa đổi, hủy bỏ nghị quyết, quyết định, quy định của Hội công chứng viên trái với quy định của pháp luật.

- Báo cáo Bộ Tư pháp về Đề án tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, phương án nhân sự, kết quả Đại hội; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc báo cáo khác theo yêu cầu của Bộ Tư pháp.

- Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hiệp hội công chứng viên Việt Nam.

Ngoài ra, tên giao dịch quốc tế của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam bằng tiếng Anh là Vietnam Notary Association (viết tắt là VNA).

Trụ sở của Hiệp hội được đặt tại Hà Nội - Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

(có 1 đánh giá)
Theo Phan Thanh Thảo
2.502