04 điều cần biết về việc công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài

(có 1 đánh giá)

Hiện tôi đang có Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài. Vậy để được công nhận ở Việt Nam, tôi cần lưu ý những gì? – Mạnh Cường (Nghệ An)

Hiện nay, nhiều cá nhân đang theo học các chương trình đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài. Để được công nhận ở Việt Nam, các cá nhân này cần phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định theo quy định hiện hành.

04 điều cần biết về việc công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài

04 điều cần biết về việc công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài (Hình từ Internet)

1. Khi nào Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài được công nhận?

Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 05/2021/TT-BTP, Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài được công nhận trong các trường hợp sau đây:

- Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài được cấp bởi cơ sở đào tạo nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của Hiệp định, thỏa thuận về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc Điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết;

- Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài được cấp bởi cơ sở đào tạo mà các chương trình đào tạo đã được cơ quan kiểm định chất lượng của nước đó công nhận hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc giấy tờ chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài.

2. Hồ sơ công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài cần những gì?

Cụ thể, người đã hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài muốn được công nhận ở Việt Nam thì nộp hồ sơ trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công Bộ Tư pháp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Bộ Tư pháp.

Hồ sơ công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài gồm có:

(i) Giấy đề nghị công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài;

(ii) Bản sao Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài; giấy tờ chứng minh thuộc một trong các trường hợp được nêu ở mục 1;

(iii) Bản sao kết quả đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài.

Các giấy tờ quy định tại (i) và (ii) phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật và được dịch ra tiếng Việt; bản dịch tiếng Việt được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

(Khoản 2 Điều 3 Thông tư 05/2021/TT-BTP)

3. Mẫu Giấy đề nghị công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài năm 2024

Mẫu Giấy đề nghị công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài năm 2024 sẽ thực hiện theo Mẫu TP-LS-27.

Mẫu TP-LS-27

Tải về

Trong đó, cá nhân thực hiện mẫu này cần phải hoàn thành đầy đủ, chính xác các nội dung như sau:

- Họ và tên

- Giới tính

- Ngày sinh

- Quốc tịch

- Địa chỉ thường trú

- Chỗ ở hiện nay

- Điện thoại

- Email

- Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu

- Ghi rõ tên cơ sở đào tạo, địa chỉ đã hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư

- Thời gian đào tạo nghề luật sư

- Nội dung chương trình đào tạo nghề luật sư

- Giấy tờ chứng minh hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài (Ghi rõ tên giấy tờ chứng minh hoàn thành chương trình, cơ quan/tổ chức cấp, ngày tháng năm cấp)

4. Ai có thẩm quyền công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài

Sau khi gửi hồ sơ công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài theo hình thức trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công Bộ Tư pháp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Bộ Tư pháp thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài, trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Như vậy, nếu hồ sơ hợp lệ theo quy định thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp là người có thẩm quyền ra quyết định công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài.

(Khoản 3 Điều 3 Thông tư 05/2021/TT-BTP)

(có 1 đánh giá)
Theo Trần Thanh Rin
2.411