Toàn văn Công văn 301-CV/ĐU: Triển khai Kết luận 177-KL/TW về tiếp tục xây dựng đơn vị hành chính 2 cấp
Toàn văn Công văn 301-CV/ĐU: Triển khai Kết luận 177-KL/TW về tiếp tục xây dựng đơn vị hành chính 2 cấp? Mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp được quy định như thế nào?
Toàn văn Công văn 301-CV/ĐU: Triển khai Kết luận 177-KL/TW về tiếp tục xây dựng đơn vị hành chính 2 cấp
Vừa qua, ngày 14/7/2025, Đảng ủy Chính phủ đã ban hành Công văn 301-CV/ĐU năm 2025 triển khai Kết luận 177-KL/TW năm 2025 về tiếp tục xây dựng tổ chức, hoạt động của đơn vị hành chính 2 cấp bảo đảm thông suốt, hiệu quả.
Cụ thể, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Kết luận 177-KL/TW năm 2025, ngày 11/7/2025 về tiếp tục xây dựng tổ chức, hoạt động của đơn vị hành chính 2 cấp bảo đảm thông suốt, hiệu quả (Kết luận 177-KL/TW năm 2025 gửi kèm theo).
Theo đó, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính gắn với triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, Bí thư Đảng ủy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Các Đảng ủy trực thuộc, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao:
[1] Tiếp tục quán triệt, triển khai quyết liệt, nghiêm túc, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chỉ đạo, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các nội dung, nhiệm vụ nêu tại Kế hoạch số 56-KH/BCĐ, ngày 04/7/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW, các chỉ đạo của Đảng ủy Chính phủ, Chính phủ, Bí thư Đảng ủy, Thủ tướng Chính phủ.
[2] Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, phối hợp điều hành chính sách giữa trung ương và địa phương sau sáp nhập, hợp nhất, sắp xếp tổ chức bộ máy, điều chỉnh địa giới hành chính; tạo không gian, động lực tăng trưởng mới, đột phá, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
[3] Tiếp tục tập trung cao độ, dành nguồn lực cho công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật; khẩn trương ban hành, trình ban hành các văn bản quy định chỉ tiết, hướng dẫn thi hành các Luật, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9; rà soát, hoàn thiện, trình các dự án Luật tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV; trong đó:
- Quán triệt, thực hiện nghiêm các nguyên tắc phân cấp, phân quyền, Trung ương tập trung quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đồng bộ, thống nhất, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát; phân cấp, phân quyền đủ mạnh, đủ rõ, hợp lý các nhiệm vụ ở Trung ương đang thực hiện về cho địa phương theo đúng tinh thần “địa phương quyết định, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, gắn với phân bổ nguồn lực, kiểm soát quyền lực; bảo đảm đánh giá kỹ tác động, có quy định chuyển tiếp rõ ràng, bảo đảm tính khả thi, không để có khoảng trống, không gián đoạn công việc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, phục vụ tốt nhất nhu cầu của Nhân dân.
- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định phân cấp, phân quyền, phân định rõ thẩm quyền của Trung ương, địa phương; phân định thẩm quyền của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, phân định thẩm quyền chung của uỷ ban nhân dân và thẩm quyền riêng của chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp tinh, cấp xã để vận hành hiệu quả mô hình mới theo tinh thần rõ: “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả”,phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức các cấp; rà soát, thực hiện phân cấp, phân quyền giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan giữa các cấp và trong mỗi cấp bảo đảm rõ thẩm quyền và trách nhiệm, đồng bộ, tổng thể, liên thông, không bỏ sót hoặc chồng lấn, giao thoa nhiệm vụ, không để tình trạng đùn đẩy, né tránh và chậm trễ trong việc triển khai các nhiệm vụ, quyền hạn; nâng cao mức độ hài lòng của người dân.
[4] Tập trung giải quyết ngay, dứt điểm các khó khăn, vướng mắc phát sinh, không để chậm trễ bất cứ công việc nào; chú trọng các nội dung sau:
- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành kịp thời các quy định, hướng dẫn, hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống cơ quan hành chính ở Trung ương và địa phương; về phân cấp, phân quyền, phân định rõ thẩm quyền; về quy trình công tác, hồ sơ, thủ tục hành chính...;về cung cấp dịch vụ công, dịch vụ công trực tuyển cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức không phụ thuộc địa giới hành chính; về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các văn bản, giữa Trung ương và địa phương.
- Các bộ, ngành: Tư pháp, Nội vụ, Nông nghiệp và Môi trường, Y tế, Giáo dục và Đào tạo... theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền hướng dẫn cụ thể về việc phân cấp cho địa phương để chủ động giải quyết các thủ tục hành chính, điều hành ngân sách, tổ chức bộ máy và quản lý nhân lực; gắn cải cách hành chính với cải cách tài chính công và đổi mới phương thức quản trị địa phương; đồng thời, bảo đảm cơ chế giám sát chặt chẽ từ cấp trên và sự tham gia của người dân; kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt thẩm quyền để thống nhất chỉ đạo thực hiện.
- Các bộ, ngành khần trương cử cán bộ xuống cơ sở nắm tình hình, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, xử lý các vấn đề phát sinh thuộc chức năng, nhiệm vụ, nhất là các nội dung liên quan đến địa chính, giải phóng mặt bằng, xác định chủ quyền đất đai và cấp sổ đỏ...; tăng cường, nâng cao hiệu quả của Bộ phận thường trực tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp các nội dung, đề xuất, kiến nghị do các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh. Thiết lập cơ chế điều phối, giám sát và phản hồi thông tin 2 chiều giữa Trung ương và địa phương.
Tiếp tục triển khai tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, thông tin thường xuyên, liên tục, ưu tiên thực hiện kịp thời trong giai đoạn vận hành bộ máy mới từ nay đến hết tháng 10/2025 theo thứ tự quan trọng, cần thiết, như là thuế, đăng ký kinh doanh, đất đai, môi trường, tư pháp, y tế, giáo dục...
Đồng thời, xây dựng chương trình và chỉ đạo tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng công nghệ, quản lý hành chính hiện đại và kỹ năng giao tiếp hành chính để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức cả về chuyên môn và kỹ năng số, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện triển khai còn hạn chế.
- Khẩn trương rà soát việc bố trí kinh phí; kiểm tra, hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí, bố trí trụ sở làm việc theo quy định.
[5] Nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân đối với mô hình tổ chức và hoạt động của bộ máy đơn vị hành chính 2 cấp; kịp thời có chính sách động viên, hỗ trợ cán bộ, công chức, người lao động khắc phục các khó khăn trước mắt về trụ sở, điều kiện làm việc, nhà công vụ...; khẩn trương có biện pháp giải quyết căn cơ, lâu dài để cán bộ, công chức, người lao động yên tâm công tác, phục vụ Nhân dân.
Xem thêm chi tiết: Toàn văn Công văn 301-CV/ĐU: Triển khai Kết luận 177-KL/TW về tiếp tục xây dựng đơn vị hành chính 2 cấp
Toàn văn Công văn 301-CV/ĐU: Triển khai Kết luận 177-KL/TW về tiếp tục xây dựng đơn vị hành chính 2 cấp (Hình từ Internet)
Mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 1 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 quy định về đơn vị hành chính như sau:
Theo đó, đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức thành 02 cấp, gồm có:
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh);
- Xã, phường, đặc khu trực thuộc cấp tỉnh (sau đây gọi chung là cấp xã).
Xã là đơn vị hành chính ở nông thôn; phường là đơn vị hành chính ở đô thị; đặc khu là đơn vị hành chính ở một số hải đảo có vị trí quan trọng được thành lập phù hợp với điều kiện địa lý, tự nhiên, đặc điểm dân cư và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là địa bàn có vị trí chiến lược, được tổ chức theo mô hình đặc thù, được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, thực hiện các chính sách mới về quản trị địa phương, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng và cả nước. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định thành lập.
Từ khóa: Công văn 301 Kết luận 177 Đơn vị hành chính Tổ chức bộ máy Địa giới hành chính Sắp xếp tổ chức bộ máy Phát triển kinh tế
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;
Bài viết liên quan
