Quảng cáo sai sự thật trên mạng bị đi tù không?

Bài viết dưới đây sẽ đề cập các vấn đề liên quan đến hành vi quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội nguy hiểm như thế nào và các chế tài xử lí vi phạm.

Đăng bài: 21:12 07/04/2025

Quảng cáo sai sự thật trên mạng bị đi tù không?

Quảng cáo sai sự thật trên mạng bị đi tù không? (Hình từ Internet)

Hành vi quảng cáo sai sự thật là gì? Hệ lụy như thế nào?

1. Quảng cáo sai sự thật là gì?

Hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể thế nào là quảng cáo sai sự thật tuy nhiên căn cứ vào Khoản 1 Điều 2 Luật Quảng cáo 2012 có quy định về hoạt động quảng cáo như sau:

“1. Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.”

Bên cạnh đó theo quy định tại Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 cũng quy định về hành vi bị cấm trong quảng cáo như:

[1] Quảng cáo những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều 7 của Luật Quảng cáo 2012.

[2] Quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng.

[3] Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.

[4] Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội.

[5] Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

[6] Quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết tật.

[7] Quảng cáo xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân.

[8] Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.

[9] Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

[10] Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác.

[11] Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

[12] Quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

[13] Quảng cáo vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.

[14] Quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em.

[15] Ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo hoặc tiếp nhận quảng cáo trái ý muốn.

[16] Treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng.

Theo đó, dựa vào các quy định trên ta có thể hiểu quảng cáo sai sự thật là hành vi gian dối trong hoạt động quảng cáo, được thực hiện bởi một cá nhân, tổ chức thông qua các phương tiện như mạng xã hội, các trang thông tin,... nhằm đưa thông tin không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

Những nội dung này thường bị phóng đại và không đúng sự thật; từ đó làm ảnh hưởng đến cá nhân hoặc tổ chức khác. 

2. Quảng cáo sai sự thật gây tác động như thế nào?

Quảng cáo sai sự thật có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, không chỉ đối với người tiêu dùng mà còn đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế cụ thể:

Gây mất lòng tin của người tiêu dùng: Khi người tiêu dùng phát hiện ra rằng thông tin quảng cáo không đúng sự thật, họ sẽ mất niềm tin vào sản phẩm, thương hiệu và cả ngành hàng đó. Điều này có thể dẫn đến việc giảm doanh thu và mất khách hàng lâu dài.

Tổn hại về uy tín của thương hiệu: Các doanh nghiệp quảng cáo sai sự thật có thể bị dư luận chỉ trích và phản đối mạnh mẽ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hình ảnh của họ. Sự mất lòng tin này có thể kéo dài lâu dài và rất khó để phục hồi.

Gánh hậu hậu quả pháp lý: Quảng cáo sai sự thật có thể vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dẫn đến các hình thức xử phạt hành chính hoặc kiện tụng, thậm chí là đình chỉ hoạt động kinh doanh trong một số trường hợp nghiêm trọng.

Đe dọa sức khỏe và an toàn người tiêu dùng: Đặc biệt trong các lĩnh vực như dược phẩm, thực phẩm chức năng, hay thiết bị y tế, quảng cáo sai sự thật có thể khiến người tiêu dùng sử dụng sản phẩm không phù hợp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Tạo ra sự cạnh tranh không công bằng: Quảng cáo sai sự thật có thể khiến những sản phẩm kém chất lượng trở nên hấp dẫn, dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng giữa các doanh nghiệp. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp tuân thủ quy định và cung cấp sản phẩm chất lượng.

(Lưu ý: Thông tin về " Quảng cáo sai sự thật" chỉ mang tính chất tham khảo.)

Hành vi quảng cáo sai sự thật có bị đi tù không? 

Căn cứ theo quy định tại Khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố với mức phạt từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.

Lưu ý: Mức phạt tiền trên áp dụng với cá nhân vi phạm, trường hợp tổ chức vi phạm thì bị phạt gấp đôi (Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP (sửa đổi tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ-CP)).

Tuy nhiên quy định trên không áp dụng đối với trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.

Bên cạnh đó hành vi quảng cáo sai sự thật hay quảng cáo gian dối còn được quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 cụ thể như sau:

“ Tội quảng cáo gian dối

1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Như vậy, đối với hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính và cả hình sự. Cần lưu ý nếu đã từng bị xử phạt hành chính hoặc kết án về hành vi quảng cáo sai sự thật mà vẫn còn tái phạm, thì hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015.

Đặc biệt với những người có sức ảnh hưởng nên thận trọng trong việc quảng cáo trên mạng xã hội hoặc các phương tiện thông tin đại chúng.

29 Nguyễn Mạnh Kiên

- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;

- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;

- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];

CHỦ QUẢN: Công ty TNHH THƯ VIỆN PHÁP LUẬT

Mã số thuế: 0315459414, cấp ngày: 04/01/2019, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM.

Đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Tường Vũ

GP thiết lập trang TTĐTTH số 30/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP.HCM cấp ngày 15/06/2022.

Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm số: 4639/2025/10/SLĐTBXH-VLATLĐ cấp ngày 25/02/2025.

Địa chỉ trụ sở: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
...loại rủi ro pháp lý, nắm cơ hội làm giàu...
Thư Viện Nhà Đất
...hiểu pháp lý, rõ quy hoạch, giao dịch nhanh...