Nhấn vào mũi tên để hiển thị chuyên mục con hoặc nhấn vào tiêu đề để lọc theo chuyên mục cha
Ai có thẩm quyền tuyên bố doanh nghiệp phá sản?
Tòa án Nhân dân là cơ quan có thẩm quyền tuyên bố doanh nghiệp phá sản theo Luật phá sản 2014.
Ai có thẩm quyền tuyên bố doanh nghiệp phá sản? (Hình từ Internet)
Khái niệm phá sản
Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản 2014, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014, phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
Vậy khi một doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản là khi không thanh toán được khoản nợ khi đến hạn trong thời hạn 03 tháng và bị Tòa án Nhân dân ra quyết định phá sản.
Thẩm quyền tuyên bố doanh nghiệp phá sản
Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền tuyên bố doanh nghiệp phá sản theo quy định tại Điều 8 Luật Phá sản 2014.
Thẩm quyền của Tòa án nhân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hợp tác xã tại tỉnh đó và thuộc một trong các trường hợp sau:
Trường hợp 1: Vụ việc phá sản có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài;
Tài sản ở nước ngoài là tài sản được xác định theo quy định của Bộ luật dân sự ở ngoài lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. (khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 03/2016/NQ-HDTP hướng dẫn thi hành quy định Luật Phá sản 2014).
Trường hợp 2: Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;
Trường hợp 3: Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;
Trường hợp 4: Vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết do tính chất phức tạp của vụ việc.
Vụ việc phá sản có tính chất phức tạp là vụ việc không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 8 của Luật Phá sản 2014 và doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 03/2016/NQ-HDTP hướng dẫn thi hành quy định Luật Phá sản 2014:
[1] Có từ trên 300 (ba trăm) lao động trở lên hoặc có vốn điều lệ từ trên 100.000.000.000 (một trăm tỷ đồng) trở lên;
[2] Là tổ chức tín dụng; doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích; doanh nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;
[3] Là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
[4] Có khoản nợ được Nhà nước bảo đảm hoặc có liên quan đến việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, văn bản thỏa thuận về đầu tư với cơ quan, tổ chức nước ngoài;
[5] Có giao dịch bị yêu cầu tuyên bố là vô hiệu theo quy định tại Điều 59 của Luật Phá sản 2014.
Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện
Doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Phá sản 2014.
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];