Quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng từ 01/01/2026
Bài viết dưới đây sẽ cập nhật quy định mới về quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng từ 01/01/2026 theo Luật Quảng cáo mới nhất.
Quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng từ 01/01/2026 (Hình từ Internet)
Quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng
Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo là tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình quảng cáo theo hợp đồng quảng cáo.
Theo quy định, từ ngày 01/01/2026, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng có quyền, nghĩa vụ theo Điều 13 Luật Quảng cáo 2012, cụ thể sau đây:
[1] Về phần quyền
- Quyết định hình thức và phương thức kinh doanh dịch vụ quảng cáo;
- Được người quảng cáo cung cấp thông tin trung thực, chính xác về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo và các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo;
- Tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng quy hoạch quảng cáo của địa phương và được cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương thông tin về quy hoạch quảng cáo ngoài trời;
- Yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo.
[2] Về phần nghĩa vụ
- Hoạt động theo đúng phạm vi, lĩnh vực đã được quy định trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và tuân thủ quy định của pháp luật về quảng cáo;
- Kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo của tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần quảng cáo và thực hiện thủ tục có liên quan theo hợp đồng quảng cáo;
- Chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo do mình trực tiếp thực hiện;
- Cung cấp tài liệu liên quan đến sản phẩm quảng cáo khi người tiếp nhận quảng cáo hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Đồng thời còn phải tuân thủ các quy định sau đây:
- Quy định của pháp luật về quảng cáo, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ trẻ em, quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; phải đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế đối với doanh thu phát sinh từ dịch vụ quảng cáo theo quy định của pháp luật về thuế;
- Không đặt sản phẩm quảng cáo vào trong, bên cạnh, liền sau hoặc trước nội dung vi phạm pháp luật; không quảng cáo trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, nền tảng số vi phạm pháp luật;
- Không hợp tác quảng cáo với tổ chức, cá nhân, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, nền tảng số và tài khoản, kênh nội dung, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng trên mạng xã hội đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công khai thông báo vi phạm pháp luật;
- Thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động quảng cáo trên mạng có dấu hiệu vi phạm pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Chấp hành các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp xử lý khác của cơ quan, người có thẩm quyền khi vi phạm pháp luật về quảng cáo.
Cơ sở pháp lý: Khoản 3 Điều 23 Luật Quảng cáo 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2025).
Hoạt động quảng cáo trên mạng từ ngày 01/01/2025 phải tuân thủ các quy định gì?
Theo quy định, Hoạt động quảng cáo trên mạng bao gồm quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, nền tảng số có kết nối Internet.
Trong đó, hoạt động quảng cáo trên mạng phải tuân thủ các quy định sau đây:
- Phải có dấu hiệu nhận diện rõ ràng bằng chữ số, chữ viết, ký hiệu, hình ảnh, âm thanh để phân biệt giữa nội dung quảng cáo với các nội dung khác không phải quảng cáo;
- Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải có tính năng, biểu tượng dễ nhận biết cho phép người tiếp nhận quảng cáo tắt quảng cáo, thông báo nội dung quảng cáo vi phạm cho nhà cung cấp dịch vụ, từ chối xem nội dung quảng cáo không phù hợp;
- Đối với những quảng cáo có chứa đường dẫn đến nội dung khác thì nội dung được dẫn đến phải tuân thủ quy định của pháp luật; người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo có giải pháp kiểm tra, giám sát nội dung được dẫn đến;
- Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải cung cấp cho người sử dụng tính năng để phân biệt nội dung quảng cáo với các nội dung khác;
- Người sử dụng dịch vụ mạng xã hội khi thực hiện quảng cáo phải có dấu hiệu phân biệt nội dung quảng cáo hoặc được tài trợ với nội dung khác do mình cung cấp.
Cơ sở pháp lý: Khoản 1, 2 Điều 23 Luật Quảng cáo 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2025).
Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nào cấm quảng cáo trên mạng?
Theo Điều 7 Luật Quảng cáo 2012 (được sửa đổi bởi Điều 72 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024), các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo trên mạng bao gồm:
- Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.
- Thuốc lá.
- Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.
- Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo.
- Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc.
- Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục.
- Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; các loại sản phẩm, hàng hoá có tính chất kích động bạo lực.
- Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác do Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế.
Từ khóa: Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng Kinh doanh dịch vụ quảng cáo Quảng cáo trên mạng Luật quảng cáo Hoạt động quảng cáo trên mạng
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;