Phải xóa thông tin của người xin việc làm khi không được tuyển dụng từ năm 2026 đúng không?
Theo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2025 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026) quy định phải xóa thông tin của người xin việc làm khi không được tuyển dụng.
Phải xóa thông tin của người xin việc làm khi không được tuyển dụng từ năm 2026 đúng không? (Hình từ Internet)
Từ năm 2026, phải xóa thông tin của người xin việc làm khi không được tuyển dụng
Tại Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2025 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026) đã nội dung quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong tuyển dụng, quản lý, sử dụng người lao động.
Trong đó có quy định về việc xử lý thông tin của người xin việc làm khi không được tuyển dụng.
Cụ thể, trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tuyển dụng lao động được quy định như sau:
- Chỉ được yêu cầu cung cấp các thông tin phục vụ cho mục đích tuyển dụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân tuyển dụng phù hợp với quy định của pháp luật; thông tin được cung cấp chỉ được sử dụng vào mục đích tuyển dụng và mục đích khác theo thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật;
- Thông tin cung cấp phải được xử lý theo quy định của pháp luật và phải được sự đồng ý của người dự tuyển;
- Phải xóa, hủy thông tin đã cung cấp của người dự tuyển trong trường hợp không tuyển dụng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người đã dự tuyển.
Dựa theo nội dung quy định nêu trên, trong trường hợp không tuyển dụng, thông tin của người xin việc làm đã cung cấp cho nhà tuyển dụng phải xóa, hủy theo quy định của Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2025.
Cơ sở pháp lý: Khoản 1 Điều 25 Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2025.
Dữ liệu cá nhân của người xin việc làm trong tuyển dụng lao động sẽ có gì?
Theo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2025, dữ liệu cá nhân của người xin việc làm trong tuyển dụng lao động là dữ liệu số hoặc thông tin dưới dạng khác xác định hoặc giúp xác định một con người cụ thể, bao gồm: dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm.
Trong đó:
- Dữ liệu cá nhân cơ bản là dữ liệu cá nhân phản ánh các yếu tố nhân thân, lai lịch phổ biến, thường xuyên sử dụng trong các giao dịch, quan hệ xã hội, thuộc danh mục do Chính phủ ban hành.
- Dữ liệu cá nhân nhạy cảm là dữ liệu cá nhân gắn liền với quyền riêng tư của cá nhân, khi bị xâm phạm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thuộc danh mục do Chính phủ ban hành.
Dữ liệu cá nhân sau khi khử nhận dạng không còn là dữ liệu cá nhân.
Cơ sở pháp lý: Khoản 1, 2, 3 Điều 2 Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2025.
Quyền và nghĩa vụ của người xin việc làm đối với dữ liệu cá nhân của mình từ năm 2026
Từ năm 2026, người xin việc làm sẽ có các quyền và nghĩa vụ sau đây đối với dữ liệu cá nhân của mình:
[1] Về phần quyền
- Được biết về hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân;
- Đồng ý hoặc không đồng ý, yêu cầu rút lại sự đồng ý cho phép xử lý dữ liệu cá nhân;
- Xem, chỉnh sửa hoặc yêu cầu chỉnh sửa dữ liệu cá nhân;
- Yêu cầu cung cấp, xóa, hạn chế xử lý dữ liệu cá nhân; gửi yêu cầu phản đối xử lý dữ liệu cá nhân;
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
- Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân thực hiện các biện pháp, giải pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình theo quy định của pháp luật.
[2] Về phần nghĩa vụ
- Tự bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình;
- Tôn trọng, bảo vệ dữ liệu cá nhân của người khác;
- Cung cấp đầy đủ, chính xác dữ liệu cá nhân của mình theo quy định của pháp luật, theo hợp đồng hoặc khi đồng ý cho phép xử lý dữ liệu cá nhân của mình;
- Chấp hành pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân và tham gia phòng, chống hoạt động xâm phạm dữ liệu cá nhân.
Lưu ý tằng, khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình liên quan đến dữ liệu cá nhân thì phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc sau đây:
- Thực hiện theo quy định của pháp luật; tuân thủ nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu cá nhân theo hợp đồng. Việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu cá nhân phải nhằm mục đích bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chính chủ thể dữ liệu cá nhân đó;
- Không được gây khó khăn, cản trở việc thực hiện quyền, nghĩa vụ pháp lý của bên kiểm soát dữ liệu cá nhân, bên kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, bên xử lý dữ liệu cá nhân;
- Không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Khi nhận được yêu cầu của chủ thể dữ liệu cá nhân để thực hiện quyền của chủ thể dữ liệu cá nhân, bên kiểm soát dữ liệu cá nhân, bên kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân phải kịp thời thực hiện trong thời hạn theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi, không được gây khó khăn, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật.
Cơ sở pháp lý: Điều 4 Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2025.
Từ khóa: Người xin việc làm Thông tin của người xin việc làm Dữ liệu cá nhân Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2025 Chủ thể dữ liệu cá nhân Dữ liệu cá nhân cơ bản
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;