Mua hàng dưới 20 triệu không được khấu trừ thuế GTGT khi thanh toán tiền mặt từ 01/7/2025?
Mua hàng dưới 20 triệu không được khấu trừ thuế GTGT khi thanh toán tiền mặt từ 01/7/2025? Thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng được quy định như thế nào?
Mua hàng dưới 20 triệu không được khấu trừ thuế GTGT khi thanh toán tiền mặt từ 01/7/2025?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 12 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 quy định về khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào như sau:
Khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào
...
2. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào được quy định như sau:
a) Có hóa đơn giá trị gia tăng mua hàng hóa, dịch vụ hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu;
b) Có chứng từ thanh toán qua ngân hàng đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hóa, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng;
c) Đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, ngoài các Điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản này phải có hợp đồng ký kết với bên ngoài về việc bán, gia công hàng hóa, cung ứng dịch vụ, hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ, chứng từ thanh toán qua ngân hàng, tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu.
Việc thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu dưới hình thức thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu, trả nợ thay Nhà nước được coi là thanh toán qua ngân hàng.
Theo đó, theo quy định hiện hành, hàng hóa, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng thì không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt để được khẩu trừ thuế GTGT đầu vào.
Tuy nhiên, theo điểm b khoản 2 Điều 14 Luật Thuế Giá trị gia tăng 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2025) quy định như sau:
Khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào
…
2. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào được quy định như sau:
a) Có hóa đơn giá trị gia tăng mua hàng hóa, dịch vụ hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng thay cho phía nước ngoài quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 4 của Luật này. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng thay cho phía nước ngoài;
b) Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ một số trường hợp đặc thù theo quy định của Chính phủ;
c) Đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, ngoài các điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản này còn phải có: hợp đồng ký kết với bên nước ngoài về việc bán, gia công hàng hóa, cung cấp dịch vụ; hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt; tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu; phiếu đóng gói, vận đơn, chứng từ bảo hiểm hàng hóa (nếu có). Chính phủ quy định về điều kiện khấu trừ đối với trường hợp xuất khẩu hàng hóa qua sàn thương mại điện tử ở nước ngoài và một số trường hợp đặc thù khác.
…
Theo đó, có thể thấy, từ ngày 01/7/2025 thì bắt buộc với mọi hàng hóa, dịch vụ mua vào thì đều phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào (kể cả trên hay dưới 20 triệu đồng).
Như vậy, từ các quy định nêu trên thì từ ngày 01/7/2025, để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào thì các hàng hóa, dịch vụ mua vào đều phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, trừ một số trường hợp đặc thù theo quy định của Chính phủ.
Do đó, từ 01/7/2025, nếu mua hàng dưới 20 triệu đồng mà thanh toán bằng tiền mặt thì sẽ không được khấu trừ thuế như quy định hiện hành.
Trên đây là thông tin về "Mua hàng dưới 20 triệu không được khấu trừ thuế GTGT khi thanh toán tiền mặt từ 01/7/2025?"
Mua hàng dưới 20 triệu không được khấu trừ thuế GTGT khi thanh toán tiền mặt từ 01/7/2025? (Hình từ Internet)
Thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng được quy định như thế nào?
Căn cứ tại Điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2025) về thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng quy định như sau:
Thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng
1. Thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng được quy định như sau:
a) Đối với hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua hoặc thời điểm lập hóa đơn, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền;
b) Đối với dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung cấp dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
2. Thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ sau đây do Chính phủ quy định:
a) Hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu;
b) Dịch vụ viễn thông;
c) Dịch vụ kinh doanh bảo hiểm;
d) Hoạt động cung cấp điện, hoạt động sản xuất điện, nước sạch;
đ) Hoạt động kinh doanh bất động sản;
e) Hoạt động xây dựng, lắp đặt và hoạt động dầu khí.
Theo đó, theo quy định nêu trên thì thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng là:
[1] Thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng được quy định như sau:
- Đối với hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua hoặc thời điểm lập hóa đơn, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền;
- Đối với dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung cấp dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
[2] Thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ sau đây do Chính phủ quy định:
- Hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu;
- Dịch vụ viễn thông;
- Dịch vụ kinh doanh bảo hiểm;
- Hoạt động cung cấp điện, hoạt động sản xuất điện, nước sạch;
- Hoạt động kinh doanh bất động sản;
- Hoạt động xây dựng, lắp đặt và hoạt động dầu khí.
Hành vi nào bị nghiêm cấm trong khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng từ ngày 01/07/2025?
Căn cứ Điều 13 Luật Thuế Giá trị gia tăng 2024 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong khấu trừ, hoàn thuế như sau:
[1] Mua, cho, bán, tổ chức quảng cáo, môi giới mua, bán hóa đơn.
[2] Tạo lập giao dịch mua, bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không có thật hoặc giao dịch không đúng quy định của pháp luật.
[3] Lập hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh.
Trừ trường hợp lập hóa đơn giao cho khách hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký trước ngày thông báo tạm ngừng kinh doanh.
[4] Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ theo quy định của Chính phủ.
[5] Không chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử về cơ quan thuế theo quy định.
[6] Làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ.
[7] Đưa, nhận, môi giới hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan đến hóa đơn, chứng từ để được khấu trừ thuế, hoàn thuế, chiếm đoạt tiền thuế, trốn thuế giá trị gia tăng.
[8] Thông đồng, bao che; móc nối giữa công chức quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế và cơ sở kinh doanh, người nhập khẩu, giữa các cơ sở kinh doanh, người nhập khẩu trong việc sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ để được khấu trừ thuế, hoàn thuế, chiếm đoạt tiền thuế, trốn thuế giá trị gia tăng.
Lưu ý: Luật Thuế Giá trị gia tăng 2024 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025, trừ trường hợp quy định về mức doanh thu của hộ, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế tại khoản 25 Điều 5 và Điều 17 Luật Thuế Giá trị gia tăng 2024 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2026.
Từ khóa: Mua hàng dưới 20 triệu Khấu trừ thuế GTGT Khấu trừ thuế Thanh toán tiền mặt Thuế giá trị gia tăng đầu vào Thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;