Nhấn vào mũi tên để hiển thị chuyên mục con hoặc nhấn vào tiêu đề để lọc theo chuyên mục cha
Hợp đồng cộng tác viên có được xem là hợp đồng lao động không?
Hợp đồng cộng tác viên được xem là hợp đồng lao động trong trường hợp này theo quy định pháp luật hiện hành.
Hợp đồng cộng tác viên có được xem là hợp đồng lao động không? (Hình từ Internet)
Hợp đồng cộng tác viên có được xem là hợp đồng lao động không?
Cộng tác viên có thể được hiểu là người làm việc tự do, không trực thuộc hệ thống nhân viên chính thức của bất kỳ doanh nghiệp nào. Những người này không bị gò bó về thời gian, không gian làm việc.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động 2019, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
Theo quy định tại điều 513 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
Theo các định nghĩa trên, hợp đồng cộng tác viên được coi là hợp đồng lao động khi:
+ Có nội dung thể hiện việc làm có trả công, trả lương
+ Có nội dung thể hiện sự quản lý, điều hành, giám sát một bên
Nếu hợp đồng cộng tác viên được xem là hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động và người lao động phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Lao động 2019 (như đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn,...)
Vậy trong một vài trường hợp hợp đồng cộng tác viên có thể được coi như hợp đồng lao động hoặc hợp đồng dịch vụ.
Hình thức hợp đồng lao động và hợp đồng cộng tác viên
Theo Điều 14 Bộ luật Lao động 2019, hình thức của hợp đồng lao động được quy định như sau:
Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản. Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.
Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng.
Vậy trường hợp hợp đồng cộng tác viên được xem như hợp đồng lao động thì phải tuân thủ theo hình thức giao kết của hợp đồng lao động.
Trường hợp hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng dịch vụ: hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể về hình thức giao dịch của hợp đồng dịch vụ nên có thể áp dụng như hợp đồng dân sự thông thường.
Quyền và nghĩa vụ của hai bên trong hợp đồng cộng tác viên
Nếu hợp đồng cộng tác viên được xem như hợp đồng lao động thì quyền và nghĩa vụ của các bên phải tuân thủ theo Bộ luật Lao động 2019.
Trường hợp hợp đồng lao được xem như hợp đồng dịch vụ thì tuân thủ theo quy định tại Điều 515, 516, 517, 518 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Đối với bên sử dụng dịch vụ
Về nghĩa vụ
[1] Cung cấp cho bên cung ứng dịch vụ thông tin, tài liệu và các phương tiện cần thiết để thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc việc thực hiện công việc đòi hỏi.
[2] Trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ theo thỏa thuận.
Về quyền
[1] Yêu cầu bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc theo đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác.
[2] Trường hợp bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Đối với bên cung ứng dịch vụ
Về nghĩa vụ
[1] Thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác.
[2] Không được giao cho người khác thực hiện thay công việc nếu không có sự đồng ý của bên sử dụng dịch vụ.
[3] Bảo quản và phải giao lại cho bên sử dụng dịch vụ tài liệu và phương tiện được giao sau khi hoàn thành công việc.
[4] Báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ về việc thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không bảo đảm chất lượng để hoàn thành công việc.
[5] Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
[6] Bồi thường thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nếu làm mất, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin.
Về quyền:
[1] Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện để thực hiện công việc.
[2] Được thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của bên sử dụng dịch vụ mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của bên sử dụng dịch vụ, nếu việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nhưng phải báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ.
[3] Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ trả tiền dịch vụ.
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];