Hợp đồng thử việc có thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc theo quy định mới 2025?
Hợp đồng thử việc có thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc không? Đang thử việc có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp không theo quy định mới nhất?
Hợp đồng thử việc có thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc theo quy định mới 2025?
Theo khoản 5 Điều 3 Nghị định 158/2025/NĐ-CP, người lao động làm việc theo hợp đồng thử việc không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cụ thể:
Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
…
5. Đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng tính theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định này thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất; người lao động làm việc theo hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Cần phân biệt rõ hai trường hợp:
- Nếu người lao động ký hợp đồng thử việc riêng, thì không phải đóng BHXH bắt buộc trong thời gian thử việc.
- Nếu thời gian thử việc được ghi trong hợp đồng lao động (loại hợp đồng thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc như hợp đồng xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn), thì cả người lao động và người sử dụng lao động đều phải đóng BHXH bắt buộc cho toàn bộ thời gian thử việc.
Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, dù dưới tên gọi nào, nhưng có đầy đủ các yếu tố về việc làm, tiền lương và sự quản lý của người sử dụng lao động, đều thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Như vậy, từ ngày 01/7/2025, người lao động ký hợp đồng thử việc riêng biệt sẽ không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, nếu thử việc được thể hiện trong hợp đồng lao động chính thức, thì vẫn phải tham gia BHXH bắt buộc cho cả thời gian thử việc.
Hợp đồng thử việc có thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc theo quy định mới 2025?
Đang thử việc có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp không theo quy định mới nhất?
Căn cứ Điều 31 Luật Việc làm 2025 quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 01/01/2026 như sau:
Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
1. Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên;
b) Người lao động quy định tại điểm a khoản này làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội;
c) Người làm việc theo hợp đồng làm việc;
d) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã có hưởng tiền lương.
Trong trường hợp người lao động đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp khác nhau quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp cùng với việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
2. Người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này mà đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định của Chính phủ hoặc đủ điều kiện hưởng lương hưu; người lao động đang làm việc theo hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật lao động; người lao động là người giúp việc gia đình thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và tổ chức cơ yếu; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với đối tượng khác ngoài đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này mà có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên trên cơ sở đề xuất của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Theo đó, người lao động đang làm việc theo hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Tuy nhiên, trường hợp giao kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên mà trong đó có nội dung thử việc thì người lao động thử việc phải đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm xã hội như thế nào?
Căn cứ Điều 6 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, Nhà nước có những chính sách sau đối với bảo hiểm xã hội:
(1) Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng bao gồm trợ cấp hưu trí xã hội, bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm hưu trí bổ sung để hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
(2) Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội; có chính sách hỗ trợ về tín dụng cho người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà bị mất việc làm.
(3) Ngân sách nhà nước bảo đảm các chế độ của trợ cấp hưu trí xã hội và một số chế độ khác theo quy định của Luật này.
(4) Bảo hộ, bảo toàn và tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội.
(5) Hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
(6) Khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
(7) Hoàn thiện pháp luật và chính sách về bảo hiểm xã hội; phát triển hệ thống tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch và hiệu quả; ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, giao dịch điện tử và yêu cầu quản lý về bảo hiểm xã hội.
(8) Khuyến khích tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung.
>> Xem thêm: Mẫu Hợp đồng thử việc mới nhất 2025 (Có file tải về)
Từ khóa: Hợp đồng thử việc BHXH bắt buộc Hợp đồng thử việc có thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc Bảo hiểm thất nghiệp Nghị định 158 Bảo hiểm xã hội
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;