Nhấn vào mũi tên để hiển thị chuyên mục con hoặc nhấn vào tiêu đề để lọc theo chuyên mục cha
Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có cần báo trước không?
Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có cần báo trước không? Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật có nghĩa vụ gì?
Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có cần báo trước không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;
b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;
c) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;
e) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Theo đó, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp:
- Người lao sử dụng lao động bố trí công việc, địa điểm lamfm việc hoặc không đảm bảo theo thỏa thuận, trừ trường hợp chuyển sang công việc khác theo đúng quy định của hợp đồng lao động.
- Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì người sử dụng lao động không được chậm quá 30 ngày. Nếu trả lương chậm từ 15 ngày thì phải đền bù tiền bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền giử có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng mà người lao động nhận lương cung cấp.
- Người lao động bị ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ gây ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người lao động, hoặc bị cưỡng bức lao động.
- Người lao động bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc;
- Đủ tuổi nghỉ hưu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
- Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Bên cạnh đó, nếu không thuộc một trong các trường hợp trên thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước:
- Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
- Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
- Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
- Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được quy định riêng.
Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có cần báo trước không? (Hình từ Internet)
Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật có nghĩa vụ gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 40 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Không được trợ cấp thôi việc.
2. Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
3. Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.
Theo đó, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật có nghĩa vụ sau:
- Người lao động không được nhận trợ cấp thôi việc.
- Người lao động phải bồi thường nửa tháng tiền lương và một khoảng tiền ứng với tiền lương cho những ngày không thông báo trước trả cho người sử dụng lao động.
- Trong quá trình làm việc tại công ty người lao động trải qua các khóa đào tạo thì phải tiến hành hoàn trả chi phí.
Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Những tranh chấp về lao động và tranh chấp liên quan đến lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
1. Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải theo quy định của pháp luật về lao động mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
...
Như vậy, trong trường hợp xét thẩm quyền của Tòa án nếu người lao động và người sử dụng lao động có tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải trải qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động, nếu hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải theo quy định của pháp luật về lao động mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải thì việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có thể thuộc thẩm quyền của Tòa án.
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];